Bội thực với cổ phiếu phát hành thêm
Giữa tháng 8, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ phát hành thêm hơn 270 triệu cổ phiếu có giá bằng mệnh giá cho các cổ đông hiện hữu. Nếu đợt phát hành này thành công, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng lên hơn 34.100 tỉ đồng, chỉ kém một chút so với ngân hàng đứng đầu là VietinBank với vốn điều lệ hiện hơn 37.200 tỉ đồng.
Bản thân VietinBank cũng có kế hoạch phát hành thêm cổ phiểu ngay trong năm nay để tăng vốn điều lệ lên hơn 49.209 tỉ đồng. Và đây là một con số khủng trên thị trường chứng khoán.
Ngoài hai ngân hàng nói trên, tính đến nay cũng có thêm 11 ngân hàng thông báo hay có kế hoạch nâng vốn điều lệ bằng nhiều cách, trong đó sẽ có một lượng đáng kể cổ phiếu phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu hay chào bán cổ phiếu ra bên ngoài cho các đối tác chiến lược hay cổ đông khác.
Ấn tượng nhất là kế hoạch tăng vốn nhanh chóng của Ngân hàng Đông Á với 3 bước. Bước đầu tiên sẽ tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỉ đồng lên 6.000 tỉ đồng bằng cách bán cho Kido Group. Các đợt còn lại sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 6.000 tỉ đồng lên 10.000 tỉ đồng.
Tuy vậy cho đến nay, cổ đông chiến lược tiềm năng Kido Group vẫn đang do dự trước kế hoạch “kết hôn” với Đông Á. Điều này cũng thật dễ hiểu khi giá cổ phiếu của Ngân hàng Đông Á trên thị trường OTC hiện đang xoay quanh ngưỡng 5.000-6.000 đồng/ cổ phiếu. Điều này khiến cho các cổ đông của Kido phải cân nhắc rất kỹ khi quyết định bỏ tiền mua cổ phiếu phát hành thêm với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Nhìn chung, năm 2015 dường như được các doanh nghiệp xem là thời cơ vàng để phát hành thêm cổ phiếu, huy động thêm vốn nhằm tái cấu trúc doanh nghiệp cũng như mở rộng đầu tư theo chu kỳ tăng trưởng trở lại của nền kinh tế. Ngoài hệ thống ngân hàng đang trong cuộc đua gia tăng vốn điều lệ theo lộ trình tái cấu trúc của Ngân hàng Nhà nước thì các doanh nghiệp khác cũng ráo riết phát hành thêm cổ phiếu để huy động thêm vốn phục vụ cho các chiến lược kinh doanh mới của mình.
Điển hình là Công ty Bất động sản Phát Đạt. Mới đây, doanh nghiệp này đã chốt danh sách cổ đông để phát hành thêm 65,1 triệu cổ phiếu có giá bằng mệnh giá. Lượng vốn huy động thêm dự tính sẽ được dùng để tài trợ cho các dự án đang triển khai của Công ty cũng như có thể được dùng để trả một phần các khoản nợ ngân hàng, đặc biệt là khoản nợ 686 tỉ đồng với Ngân hàng Đông Á.
Nửa cuối năm cũng là thời gian Công ty Địa ốc Hoàng Quân chào bán 63 triệu cổ phiếu với giá bằng mệnh giá. Số tiền huy động được dự kiến cũng được dùng để tài trợ vốn cho một loạt dự án như chung cư HQC Hóc Môn, Đại học Đồng bằng sông Cửu Long, Khu Công nghiệp Bình Minh. Tuy vậy, với việc giá cổ phiếu của Hoàng Quân đang giao dịch ở vùng 6.000 đồng/cổ phiếu, có lẽ các nhà đầu tư sẽ suy nghĩ kỹ trước khi quyết định rót vốn.
Công ty Bất động sản Vạn Phát Hưng, Bất động sản An Dương Thảo Điền, Hạ tầng Thái Bình Dương, Tổng Công ty Thiết bị điện Việt Nam, Công ty Ðầu tư Dịch vụ Hoàng Huy… cũng có những kế hoạch phát hành thêm hàng chục đến hàng trăm triệu cổ phiếu cho cổ đông để cải thiện bảng cân đối tài sản. Bên cạnh đó, một loạt các doanh nghiệp lớn chưa niêm yết như Novaland, Vietjet Air có kế hoạch bán một lượng lớn cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào cuối năm nay.
Chỉ tính riêng trong quý II vừa qua, khối lượng cổ phiếu phát hành thêm của các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã đạt đến 3 tỉ cổ phiếu, gấp 3 lần so với quý I và gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, xu thế phát hành thêm cổ phiếu dự kiến sẽ còn sôi động hơn trong các tháng cuối năm khi các doanh nghiệp bước vào mùa vụ kinh doanh chính. Đây là điều đáng ngại cho thị trường vừa mới khởi sắc.
Mặt khác, việc các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước đang ráo riết thoái vốn ngoài ngành có giá trị hàng ngàn tỉ đồng theo thời hạn cuối năm nay cũng gây áp lực lớn cho thị trường. Chỉ riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn đang giữ nhiều khoản đầu tư trị giá hơn 1.300 tỉ đồng trong các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm, tài chính cần phải thoái vốn.
Đứng ở góc độ nhà đầu tư lâu năm, ông Nguyễn Văn Sự cho biết cảm thấy ngao ngán với kế hoạch phát hành khủng của các doanh nghiệp. “Đây là cách cải thiện năng lực tài chính của các doanh nghiệp khá thành công trong những năm trước nhưng năm nay sẽ không dễ ăn. Điển hình là song song với lượng chào bán khủng thì lượng cổ phiếu bị ế cũng không phải là hiếm, đặc biệt là các doanh nghiệp đang có giá cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá”.
Mới đây, Gỗ Trường Thành chỉ bán thành công được 5% số lượng cổ phần chào bán ra công chúng. Một trường hợp khác là Sacomreal khi chỉ chào bán thành công 0,07% lượng cổ phiếu chào bán, sau đó hơn 30 triệu cổ phiếu bị ế đã được 5 “mạnh thường quân” giấu tên mua hết. Trong khi đó, một loạt các cảng trong hệ thống của Vinalines như cảng Cần Thơ, Cảng Quảng Ninh, Đà Nẵng đều chứng kiến các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng không thành công.
Do đó, việc chào bán hàng tỉ cổ phiếu trong bối cảnh khả năng hấp thụ của thị trường vẫn chưa cải thiện nhiều, cộng với tâm lý thận trọng hơn của nhà đầu tư, thật sự là thách thức lớn cho doanh nghiệp. Đó là chưa kể đến việc phát hành một lượng lớn cổ phiếu có thể sẽ khiến giá cổ phiếu ngày càng pha loãng, khiến cổ đông không hài lòng. “Cổ tức cũng bị ảnh hưởng”, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nói.
Trong bối cảnh nguồn lực nội dường như đã chạm đỉnh thì việc tìm được nguồn lực đầu tư từ khối ngoại là điều cần thiết. Gần đây, Chính phủ đã đề ra một số biện pháp cải cách nhằm đưa thị trường chứng khoán Việt Nam lọt vào tốp các thị trường mới nổi để hấp dẫn khối ngoại, đặc biệt là chính sách nới room (giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài). Tuy vậy, có lẽ sẽ cần tốn nhiều thời gian để các chính sách này đi vào thực tế và phát huy tác dụng.
Tính đến ngày 6.8.2015, chỉ số VN-Index đã sụt giảm 37 điểm chỉ còn 601 điểm từ mức đỉnh 638 đạt được vào giữa tháng 7.
Sơn Nguyễn