Bội chi tăng vọt từ đầu năm
Từ đầu 2014 đến nay, có 3 khoản chi chiếm tỉ trọng cao nhất: chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lí hành chính; chi đầu tư phát triển; chi trả nợ và viện trợ; trong đó khoản chi thứ nhất chiếm tỉ trọng gần 70% và tăng hơn 100% so cùng kì năm ngoái. Khoản chi trả nợ và viện trợ thấp nhất về tổng mức (hơn 40.320 tỉ đồng) nhưng lại đứng đầu về chỉ số gia tăng (xấp xỉ 115% so cùng kì 2013). Chi ngân sách phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển trong 4 tháng đạt gần 54.970 tỉ đồng, đứng thứ 2 về tổng mức nhưng trở thành khoản chi bị "âm” so cùng kì 2013 (giảm gần 5%).
Với chiều hướng gia tăng bội chi như hiện nay, dự ước 2014 tổng mức bội chi ngân sách có khả năng lên đến gần 130 ngàn tỉ đồng, tạo ra "kỉ lục” tăng bội chi cao nhất trong nhiều năm vừa qua.
Tổng mức thu trong 4 tháng đầu năm 2014 chỉ đạt 288.800 tỉ đồng, bình quân mỗi tháng thu ngân sách được 72.200 tỉ đồng, trong khi mức chi bình quân mỗi tháng lên đến gần 82.830 tỉ đồng.
Thu ngân sách nhà nước được huy động chủ yếu dựa vào 3 nguồn: thu nội địa, thu từ xuất nhập khẩu, thu từ dầu thô. Trong 3 khoản thu nói trên, nguồn thu ngân sách từ nội địa chiếm phần chủ yếu kể cả tổng số thu cũng như mức tăng so cùng kì 2013. Tổng mức thu đến hết tháng 4 đạt xấp xỉ 37% dự toán năm 2014, nếu tiếp tục giữ vững nhịp độ ấy, tin chắc thu ngân sách năm nay sẽ vượt mức chỉ tiêu đã được ấn định. Tuy nhiên cho dù hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách, vấn đề được khẳng định ngay từ bây giờ là 2014 vẫn bội chi ở mức cao nhất từ trước đến nay.
Thu không đủ chi (nói cách khác là buộc nhà nước phải bội chi) đó là một trong những yếu điểm cốt lõi của nền kinh tế. Không những tiếp tục bội chi mà còn bội chi ở mức cao hơn các năm trước, hiện trạng ấy vừa là gánh nặng về mặt tài chính, vừa trở thành vấn đề " biết rồi nói mãi” nhưng chưa có lời giải.
Trong khi cả nước nói chung cũng như nhiều địa phương chưa ra khỏi bội chi, đã có không ít địa phương thuộc tốp đứng đầu với kết quả liên tục bội thu. Tại nhiều khu vực, mặc dù điều kiện khách quan không có sự khác biệt lớn, tình trạng tỉnh nghèo nằm cạnh tỉnh giàu (tỉnh này thì bội chi, tỉnh kia thì bội thu)vẫn cứ tồn tại một cách rất là... hồn nhiên. Khi đánh giá các địa phương cũng như những người đứng đầu các tỉnh, cần phải "chấm điểm” ở mức cao nhất đối với chỉ số bội thu ngân sách.
Nguồn Đại Đoàn Kết