Thứ Hai | 17/11/2014 12:42

"Bội chi ngân sách còn cao, nợ công đã tăng sát trần"

Báo cáo về thực hiện nghị quyết Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn chỉ ra những mặt còn tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới.

Sáng nay (17/11), mở đầu các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là lần thứ hai Quốc hội tổ chức nghe ý kiến đóng góp cho các báo cáo tổng kết của Chính phủ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo những vấn đề đã làm được trong 7 lĩnh vực là nông nghiệp và phát triển nông thôn, nội vụ, thông tin và truyền thông, tài chính, giáo dục và đào tạo, lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp và thanh tra.

Theo đó, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện, có những việc đã đạt kết quả bước đầu và cũng có nhiều việc còn chưa đạt yêu cầu.

Về nợ công, nợ Chính phủ, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp tăng cường quản ký, nâng cao hiệu quả sử dụng, bảo đảm an toàn. Đến cuối năm 2013, nợ công bằng 54,2% GDP, nợ Chính phủ bằng 42,3% GDP. Dự kiến cuối năm nay, nợ công bằng khoảng 60,3% GDP, nợ Chính phủ bằng 46,9% GDP, trong giới hạn cho phép.

Một số kết quả khác như việc giảm thời gian nộp thuế trong năm 2014 khoảng 290 giờ/năm; tái cơ cấu được 119 doanh nghiệp trong 10 tháng đầu năm, trong đó cổ phần hóa 100 doanh nghiệp. Đã thoái vốn được trên 3,5 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 3,6 lần so với năm 2013.

Tuy nhiên, cũng vẫn còn một số hạn chế được Phó Thủ tướng chỉ ra là việc thu hút đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, tiêu thụ nông sản còn khó khăn. Quản lý giá cả và chất lượng vật tư nông nghiệp còn bất cập. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao.

Cải cách hành chính chưa theo kịp yêu cầu phát triển, nhất là việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi chưa nghiêm; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa cao. Công tác quản lý thông tin truyền thông có mặt còn hạn chế, chưa bảo đảm tốt an ninh, an toàn mạng.

Bội chi ngân sách còn cao; nợ công đã tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn; cơ cấu ngân sách chưa lành mạnh. Chất lượng giáo dục đại học và dạy nghề còn nhiều hạn chế; giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp và thanh niên nông thôn còn khó khăn.

Công tác xây dựng thể chế còn chậm, một số quy định chưa phù hợp, thiếu tính khả thi. Tình trạng khiếu nại tố cáo còn phức tạp. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.

Trong buổi sáng, Quốc hội cũng nghe ý kiến đóng góp của 17 đại biểu về báo cáo của Chính phủ. Về cơ bản, các ý kiến đồng tình và đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong thời gian qua.

Một số đại biểu lưu ý Chính phủ cần có biện pháp để hỗ trợ hơn nữa khu vực nông nghiệp, nông thôn, giải bài toán được mùa mất giá, được giá mất mùa cho người nông dân. Đại biểu Trần Du Lịch của TPHCM kiến nghị cần thay đổi phương thức sản xuất, hỗ trợ cho người nông dân, xây dựng trung tâm hậu cần để hỗ trợ nghề cá, có chính sách để chuyển rủi ro từ phía người nông dân sang phía người kinh doanh....

Đại biểu Phạm Quốc Châu đề nghị Chính phủ cần đi sâu đánh giá hiệu quả thực thi quản lý Nhà nước, thận trọng đưa ra quyết định đừng để đưa ra rồi phải sửa lại, dư loạn không đồng tình...

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết bản thân mình rất tin tưởng vào các báo cáo về nợ công, nợ xấu của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng rất mong Chính phủ chuẩn bị báo cáo chi tiết để thuyết phục người dân tin rằng nợ xấu ở mức an toàn, nợ công trong tầm kiểm soát.

Nguồn DVO