Thứ Năm | 04/10/2012 15:54

Bộ Tư pháp xây đề án thí điểm thi tuyển lãnh đạo Phòng, Vụ

Đề án thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp Phòng, cấp Vụ các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp trong giai đoạn 2013 – 2015 đang được Bộ Tư pháp xây dựng.
Theo đề án, trước mắt trong năm 2013 sẽ triển khai thí điểm thi tuyển công chức lãnh đạo tại 13 đơn vị trực thuộc Bộ là: Văn phòng Bộ, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Vụ Pháp luật quốc tế, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính...

Sau đó từ năm 2014 - 2015, sẽ triển khai thi tuyển lãnh đạo cấp Phòng, cấp Vụ tại tất cả các đơn vị.

Bộ dự kiến tổ chức theo định kỳ mỗi năm 2 đợt vào tháng 3 và tháng 9.

Sau 3 năm thí điểm (từ năm 2013 đến hết năm 2015), Bộ Tư pháp sẽ xem xét chủ trương thống nhất thực hiện thi tuyển công chức lãnh đạo cấp Phòng, cấp Vụ tại các đơn vị thuộc Bộ từ năm 2016.

Theo dự kiến Đề án này, đối tượng dự tuyển bao gồm: Các công chức, viên chức trong quy hoạch lãnh đạo cấp Phòng, cấp Vụ các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; công chức, viên chức các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương và người lao động tại các doanh nghiệp.

Tính đến 15/6/2012, Bộ Tư pháp có 32 đơn vị, trong đó có  21 đơn vị quản lý giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 11 đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ. Đội ngũ công chức có 527 người.


Ứng viên đăng ký dự tuyển các ứng viên phải đạt tiêu chuẩn ngạch và tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo theo quy định của Đảng và Nhà nước. Trước hết, về trình độ chuyên môn ứng viên phải tốt nghiệp đại học trở lên với chuyên ngành phù hợp với vị trí dự tuyển.

Đối với người dự thi là công chức, viên chức phải có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính đối với đăng ký dự thi chức danh lãnh đạo cấp Vụ hoặc có Chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch Chuyên viên đối với đăng ký dự thi chức danh lãnh đạo cấp Phòng.

Nếu ứng viên là người lao động tại các doanh nghiệp thì có thể xem xét, cho phép nợ tiêu chuẩn quản lý hành chính nhà nước. Ngoài ra, yêu cầu ứng viên còn phải bảo đảm điều kiện về thâm nhiên công tác cũng như các điều kiện khác.

Để vượt qua kỳ thi này, các ứng viên sẽ phải dự thi Môn kiến thức chung và môn Kỹ năng lãnh đạo. Bên cạnh đó, ứng viên còn phải dự thi phần xử lý tình huống về kỹ năng quản lý, lãnh đạo, điều hành tại công sở, dưới hình thức phỏng vấn.

Hội đồng thi tuyển gồm 7 thành viên trở lên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thành lập.

Hiện nay, Đề án thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp Phòng, cấp Vụ các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đang được chỉnh lý, hoàn thiện, trước khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định.

Thực tế, từ năm 2005, Bộ Nội vụ đã khởi động chủ trương thí điểm mô hình thi tuyển công chức, viên chức lãnh đạo. Sau khi có chủ trương, một số địa phương như Hải Phòng, Đà Nẵng, Long An, Bình Dương, Phú Thọ... đã thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo. Trong thời gian gần đây, một số địa phương khác đang tiếp tục hoàn thiện đề án thí điểm như thành phố Hà Nội, TPHCM, tỉnh Bắc Giang… Bước đầu, dư luận xã hội hết sức đồng tình, ủng hộ việc triển khai thực hiện chủ trương này trong thực tế cuộc sống.Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên thực hiện chủ trương thí điểm mở rộng thi tuyển chức danh lãnh đạo. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, đã có 102 người tham gia dự thi 30 chức danh lãnh đạo bổ nhiệm cho 11 Sở, Quận, Huyện trên địa bàn.

Nguồn Chinhphu.vn


Sự kiện