Bộ Tư pháp dự kiến mở rộng diện định tội hình sự trong chứng khoán
Bộ Tư pháp vừa công bố dự thảo lần thứ 5 Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính - kế toán, chứng khoán, để tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi trước khi hoàn chỉnh trình lãnh đạo liên ngành ký ban hành.
Bộ Tư pháp đưa ra mức thu lợi bất chính lớn, để làm cơ sở định tội hoặc định khung hình phạt đối với 3 tội danh được quy định trong BLHS phổ biến ở mức 200 triệu đồng, thay vì từ 1 - 2 tỷ đồng hoặc từ 2 tỷ đồng trở lên như phương án được nêu trong các lần dự thảo trước.
Đối với tội cố ý công bố thông tin (CBTT) sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán (Điều 181a BLHS), thì mức thu lợi bất chính lớn là thu được khoản lợi có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên từ việc thực hiện hành vi phạm tội.
Vẫn theo dự thảo, đối với tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 181b BLHS), thì mức thu lợi bất chính lớn là đối tượng phạm tội thu được một khoản lợi có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn là đối tượng phạm tội thu được một khoản lợi có giá trị từ trên 500 triệu đồng trở lên. Thông tin nội bộ là những thông tin liên quan đến tình hình hoạt động của công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng chưa được công bố, mà nếu được công bố có thể ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán của công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng đó.
Đối với tội thao túng giá chứng khoán (Điều 181c BLHS), dự thảo Thông tư quy định, mức thu lợi bất chính lớn là đối tượng phạm tội thu được một khoản lợi có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên.
Gây hậu quả nghiêm trọng: 1 - 2 tỷ đồng
Ban soạn thảo đưa ra mức gây hậu quả nghiêm trọng, để làm căn cứ định tội hoặc định khung hình phạt, phổ biến từ 1 tỷ đồng đến dưới 2 tỷ đồng tuỳ tội danh, thay vì mức trên 2 tỷ đồng trở lên như các lần dự thảo trước.
Đơn cử như đối với tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán và tội thao túng giá chứng khoán, thì hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng được xác định là đã làm rối loạn nghiêm trọng hoạt động của thị trường chứng khoán (TTCK), gây ảnh hưởng xấu đến sự công bằng, minh bạch và an toàn của TTCK, làm giảm niềm tin của NĐT đối với TTCK. Trường hợp thiệt hại có thể xác định được bằng tiền, thì được coi là gây hậu quả nghiêm trọng khi hành vi phạm tội đã gây thiệt hại cho NĐT với số tiền từ 1 tỷ đồng đến dưới 2 tỷ đồng.
Hiện dự thảo Thông tư đang đi vào giai đoạn tiếp thu ý kiến đóng góp lần cuối của các chuyên gia, các thành viên TTCK, các cơ quan hữu quan, để sớm hoàn tất trình lãnh đạo liên ngành ký ban hành.
Theo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, hậu quả phi vật chất mà các hành vi phạm tội gây ra cho hoạt động của TTCK, trong nhiều trường hợp còn nặng nề hơn các thiệt hại có thể tính được bằng tiền. Do đó, dự thảo Thông tư cần bổ sung hướng dẫn về dấu hiệu hậu quả là các thiệt hại dưới dạng phi vật chất như làm mất niềm tin của NĐT.Một thành viên Tổ biên tập (Bộ Tư pháp) cho rằng, việc hướng dẫn trong Thông tư dạng hậu quả này là cần thiết. Tuy nhiên, quy định dưới dạng thiệt hại phi vật chất sẽ là một hình thức trao quyền vận dụng cho những cán bộ thực thi pháp luật, điều mà quan điểm lập pháp hiện nay không dễ chấp nhận. Bởi vậy, cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đưa ra giải pháp khả thi cho vấn đề này. |
Nguồn Đầu tư chứng khoán