Thứ Tư | 28/11/2012 09:42

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Tái cơ cấu DNNN phải được thực hiện đồng bộ

Bên cạnh đó, tái cấu trúc DNNN phải đồng bộ với tái cấu trúc thị trường tài chính cũng như tái cấu trúc đầu tư công.
Trong khuôn khổ Hội nghị "Khuôn khổ ổn định và giám sát tài chính trong môi trường nhiều biến động" tối ngày 27/11, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã có những trao đổi về vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Bộ trưởng khẳng định tái cơ cấu DNNN phải đồng bộ với tái cấu trúc thị trường tài chính nhằm lành mạnh hoá tình trạng tài chính, năng lực, cải thiện mức độ an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng và ổn định thị trường tài chính, cũng như tái cấu trúc đầu tư công nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước và huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển.

Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, hơn 20 năm qua, quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam đã được thực hiện một cách nhất quán, và đạt được một số kết quả khả quan. Số lượng doanh nghiệp nhà nước đã giảm giảm mạnh từ hơn 12.000 trong những năm cuối 1980 xuống còn hơn 1.300 doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, tính đến tháng 10/2012, đã có 56 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoàn thành đề án tái cơ cấu, trong đó đã có 26 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã được Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền cấp tỉnh phê duyệt đề án tái cơ cấu.


Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, việc sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chưa thật chặt chẽ; Việc phân định chức năng quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu nhà nước còn chưa rõ; Cơ chế quản lý, giám sát của chủ sở hữu còn nhiều tồn tại;

Bên cạnh đó, cơ cấu ngành, lĩnh vực chưa hợp lý, dàn trải, đầu tư ra ngoài ngành kém hiệu quả, có tình trạng một số doanh nghiệp gây lãng phí và thất thoát vốn; Năng lực quản trị doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, chậm đổi mới và chưa vận dụng đầy đủ những nguyên tắc quản trị theo thông lệ quốc tế.

Để khắc phục những điểm trên, theo “Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước”, hiện Chính phủ và Bộ Tài chính đang tổng kết Luật doanh nghiệp năm 2005, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện thể chế.

Bên cạnh đó, tổ chức rà soát phân loại doanh nghiệp để quyết định tỷ lệ tham gia vốn của Nhà nước; Điều chỉnh cơ cấu DNNN; Tiếp tục sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp theo các phương án đã được phê duyệt; Thực hiện thoái vốn nhà nước ở những công ty cổ phần mà Nhà nước không cần chi phối.

Cùng với việc chấm dứt thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế, Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, đánh giá lại các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, yêu cầu các Tập đoàn đến 2015 thoái hết vốn trong các ngành nghề không phải là ngành nghề kinh doanh chính. Thực hiện phê duyệt đề án tái cơ cấu cụ thể của từng tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; Tổ chức lại các DNNN theo các loại hình công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn phù hợp.

Nguồn Khampha


Sự kiện