Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Năm 2013 chứng khoán sẽ tốt hơn
Năm 2012, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tập trung rất nhiều nỗ lực cho hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt là các giải pháp tái cơ cấu thị trường. Để hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu thị trường đạt kết quả tích cực, hoạt động thanh tra, kiểm soát đã được tăng cường. Các mặt công tác này đã thu được những kết quả tích cực, qua đó hỗ trợ cho sự phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán. Đặc biệt, lĩnh vực chứng khoán có bước đổi mới khá mạnh mẽ, các bước tiến hành tái cơ cấu thị trường đang diễn ra tích cực, bước đầu đã thu được những kết quả tốt.
Tuy thị trường chứng khoán gặp nhiều khó khăn lớn trong năm 2012, nhưng huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt kỷ lục, với tổng lượng vốn huy động thành công là 174.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng huy động vốn qua phát hành trái phiếu Chính phủ đạt tới 156.000 tỷ đồng, tăng 92% so với năm 2011.
Trên chặng đường hơn 12 năm phát triển của thị trường chứng khoán, lần đầu tiên trong năm qua, thị trường chứng khoán chịu tác động mạnh bởi những biến cố bất ngờ. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của thị trường. Mặt khác, việc thị trường chứng khoán vượt qua được những biến cố này, đã giúp cơ quan quản lý, thị trường, cũng như nhà đầu tư có bước trưởng thành hơn về điều hành, cũng như ứng xử với những biến cố bất ngờ.
Như Bộ trưởng chia sẻ, trong năm qua, Bộ Tài chính đã dành nhiều tâm sức cho chỉ đạo, điều hành thị trường chứng khoán, thể hiện qua hoàn thiện một khối lượng đáng kể hệ thống cơ chế, chính sách. Bản thân Bộ trưởng đã dành sự quan tâm như thế nào đối với việc chỉ đạo, điều hành thị trường chứng khoán trong năm 2012?
Bản thân tôi, cũng như các lãnh đạo khác của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong năm qua đã dành nhiều sự quan tâm trong chỉ đạo, điều hành thị trường chứng khoán, đặc biệt là trong những lúc thị trường đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Có những thời điểm, chúng tôi điều hành thị trường chẳng khác nào chỉ đạo một chiến dịch cấp bách, nhằm đảm bảo cho thị trường vừa có thể vượt qua những sóng gió bất ngờ trước mắt, nhưng đồng thời tạo thuận lợi cho thị trường phát triển lành mạnh trong dài hạn. Nhiều cuộc họp khẩn cấp để xử lý tình huống đã được triệu tập bất kể ngày đêm và lãnh đạo Bộ phải rất thận trọng trong tính toán triển khai các phương án điều hành, sao cho được nhiều nhất và mất ít nhất.
Đây đó vẫn còn những ý kiến cho rằng thị trường chứng khoán có hơi hướng “sòng bạc”. Bộ trưởng có thể chia sẻ quan điểm nhất quán của Chính phủ và Bộ Tài chính về phát triển thị trường chứng khoán trong giai đoạn tới?
Chính phủ, Bộ Tài chính luôn nhấn mạnh một thông điệp: thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Vừa rồi, nhiều địa phương kiến nghị cần có cơ chế chứng khoán hóa bất động sản, vì họ nhìn thấy tiềm năng huy động vốn lớn của thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán là thị trường bậc cao, nên đòi hỏi không chỉ cơ quan quản lý, mà tất cả các thành viên thị trường phải luôn chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực cho xứng tầm với tính chất bậc cao của thị trường chứng khoán. Do đó, cần bền bỉ dồn tâm sức, để tái cấu trúc, phát triển thị trường. Qua đó, san sẻ bớt gánh nặng cho kênh tín dụng trong đảm đương nhiệm vụ tài trợ vốn cho nền kinh tế. Chắc chắn, Chính phủ và các bộ ngành sẽ tập trung nhiều hơn cho chỉ đạo, điều hành phát triển thị trường chứng khoán sao cho bền vững hơn.
Thưa Bộ trưởng, đâu là những giải pháp ưu tiên mà Bộ Tài chính sẽ triển khai trong năm 2013, để hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán?
Nhiệm vụ số 1 là tiếp tục ưu tiên hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nhằm hỗ trợ thị trường phát triển hiệu quả, lành mạnh, không chỉ trong ngắn hạn mà cả dài hạn. Để nhiệm vụ này đạt hiệu quả cao, đòi hỏi không chỉ riêng Bộ Tài chính, mà các cấp quản lý khác cần tạo thuận lợi tối đa cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoạt động.
Bộ trưởng có dự cảm như thế nào về thị trường chứng khoán trong năm 2013?
Thị trường chứng khoán không chỉ phản chiếu sức khỏe, mà còn thể hiện chiều hướng vận động của kinh tế vĩ mô, tức là thị trường chứng khoán có tính dự báo. Từ kinh tế vĩ mô, nhà đầu tư nhìn thấy tương lai của thị trường, có khi trước hàng năm, nhất là với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, dài hạn. Điều này giải thích tại sao có những lúc thị trường chứng khoán rất khó khăn nhưng họ vẫn mua vào, ngược lại khi thị trường chứng khoán đang rất hứng khởi nhưng họ lại bán ra.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, do chính sách có độ trễ, nên nhiều người dự báo thị trường chứng khoán chưa thể có những bứt phá lớn. Nhưng nhìn tổng thể, nhiều ý kiến đánh giá, thị trường chứng khoán trong năm 2013 sẽ tăng trưởng khá hơn 2012. Thị trường chứng khoán đang có đà phát triển tốt hơn không chỉ trong năm nay, mà cả giai đoạn tới.
Nguồn Đầu tư chứng khoán