Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Giá xăng dầu tăng giảm không cân xứng
Theo Bộ trưởng, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Công thương, Bộ Y tế phối hợp điều giá theo đúng quy định, bám sát diễn biến giá thế giới, các yếu tố đầu vào và sử dụng đồng bộ các công cụ bình ổn giá nên đã đạt được mục tiêu kéo lạm phát cao trên 18,3% trong năm 2011 xuống mức thấp dưới 7% trong năm 2012.
Về ý kiến của Đại biểu Quốc hội cho rằng giá xăng dầu chưa bám sát giá thế giới, khi tăng thì tăng nhiều, khi giảm thì không cân xứng, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết Bộ trưởng cũng đồng ý với quan điểm này.
Bộ trưởng giải thích, về bản chất do theo Nghị định 84 việc tính giá sẽ tính theo chu kỳ 30 ngày. Thêm vào đó, khi giá tăng cao, Chính phủ phải sử dụng công cụ thuế nhập khẩu, trong 1 thời gian dài đã áp thuế nhập khẩu xăng dầu ở mức thấp 0% (trong khi biểu thuế nhập khẩu xăng dầu là từ 20 - 30%).
Bên cạnh đó, phải sử dụng quỹ bình ổn giá, thậm chí phải sử dụng cả lợi nhuận định mức 300 đồng/lít của doanh nghiệp đầu mối.
"Chính vì vậy, khi giá giảm phải khôi phục lại một phần thuế và quỹ bình ổn nên phần giảm giá chưa tương xứng với phần đã giá tăng", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Tài chính đã chủ động đánh giá Nghị định 84 và cơ chế quỹ bình ổn giá. Cuối 2011, đầu năm 2012 đã đề nghị Chính phủ cho nghiên cứu sửa đổi bổ sung Nghị định 84. Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan xem xét để sửa đổi Nghị định này.
Ngoài ra, trong năm 2011, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán và công khai về quỹ bình ổn giá. Năm 2012 Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán toàn diện Tổng Công ty Xăng dầu Petrolimex.
Bộ trưởng cũng đề nghị Quốc hội, Ủy ban Quốc hội giao Ủy Ban kinh tế, Ủy ban Ngân sách Nhà nước và các Ủy ban Quốc hội khác tiến hành giám sát chuyên đề, toàn diện với lĩnh vực quản lý giá nhất là với giá xăng dầu trong năm 2013.
Nguồn Khampha