Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng "xin nhận khuyết điểm"
Về việc điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, trước hết, với giá xăng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, đến hết năm 2012, trên thị trường đã có 12 đầu mối tham gia nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, trong đó, có cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
5 tháng đầu năm 2013 có thêm 4 doanh nghiệp thuộc khu vực doanh nghiệp tư nhân được cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu.
"Tất cả các đơn vị có đủ điều kiện kinh doanh mặt hàng kinh doanh có điều kiện này, đều có thể tham gia kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu. Vì vậy, việc kinh doanh xăng dầu không còn mang tính độc quyền nữa", ông Hoàng nhấn mạnh.
Năm 2013, Bộ trưởng Bộ Công Thương thông tin, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục điều hành giá xăng dầu. Theo đó, từ đầu năm đã có một đợt tăng giá mạnh (ngày 28/3) và hai đợt giảm giá nhẹ (ngày 9 và 18/4), Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định đã bám sát biến động của giá xăng dầu thế giới.
Trong bối cảnh giá thế giới đối với xăng dầu thành phẩm có giai đoạn liên tục biến động theo xu hướng tăng, giá trong nước tuy được điều hành có tăng, có giảm nhưng cơ bản là giữ ổn định thông qua các biện pháp bình ổn giá. Nhà nước đã áp áp dụng các biện pháp bình ổn trong những giai đoạn nhất định, không để giá xăng dầu trong nước tăng liên tiếp, đẩy mặt bằng giá tăng, Bộ trưởng đánh giá.
Đối với điện, Bộ trưởng Hoàng cho biết, thị trường bán điện cạnh tranh đã vận hành chính thức từ 1/7/2012 với 73 nhà máy (tổng công suất gần 24.000MW), trong đó có 48 nhà máy trực tiếp chào giá trên thị trường, còn lại là các nhà máy gián tiếp giao dịch trên thị trường.
Người đứng đầu ngành Công Thương đánh giá, cơ chế phát triện cạnh tranh đã minh bạch hóa thứ tự huy động các tổ máy phát điện thông qua việc chào giá trên thị trường, góp phần đảm bảo khả năng cung cấp điện và đang dần dần tạo ra cơ chế giá điện khâu phát điện khách quan và hợp lý.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thông tin, trên cơ sở tiến độ, điều kiện thực tế, Bộ đề xuất đẩy nhanh tiến độ thực hiện thị trường bán buôn, bán lẻ điện cạnh tranh, dự kiến kết thúc vào năm 2021, sớm hơn 1 năm so với quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Về giá than, ông Hoàng hứa sẽ tiếp tục điều chỉnh để bù đắp được giá thành toàn bộ năm 2013, nghiên cứu trình Chính phủ quyết định thời điểm và biên độ phù hợp, bảo đảm việc điều chỉnh để không ảnh hưởng nhiều đến chi phí giá thành điện.
Nhóm nhiệm vụ chống hàng nhái, hàng lậu và gian lận thương mại, Bộ trưởng đề cập nhiều chuyện thời sự.
Trước hết, với "nạn" mũ bảo hiểm dỏm, kém chất lượng, Bộ đã tổ chức 5 đoàn kiểm tra liên ngành, chỉ đạo quyết liệt việc kiểm tra, xử lý các vi phạm về kinh doanh mũ bảo hiểm. Các vi phạm chủ yếu bị xử lý là kinh doanh mũ bảo hiểm có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa, kinh doanh mũ bảo hiểm không có ghi nhãn hàng hóa, không có dấu hợp quy và chưa công bố tiêu chuẩn chất lượng, kinh doanh mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm nhưng không ghi nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn chứng từ…
Kết quả, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, đến nay về cơ bản đã chấm dứt được tình trạng bày bán công khai trên các hè đường và trong các cửa hàng kinh doanh các loại mũ nói trên.
Chấn chỉnh hoạt động kinh doanh xăng dầu, ông Hoàng cho biết, năm 2012, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các ngành chức năng như Thanh tra Khoa học Công nghệ, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển… đã đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Riêng Quản lý thị trường đã xử lý được gần 1.200 vụ, xử phạt gần 8,6 tỷ đồng, tước "giấy phép" của 43 cửa hàng xăng dầu vi phạm.
Đến nay, hoạt động kinh doanh xăng dầu đã dần đi vào nề nếp, giảm đáng kể các vi phạm về chất lượng xăng dầu cũng như các hành vi đầu cơ, găm hàng, chờ tăng giá.
Sẽ có phương án ứng phó vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2 cũng là một thông tin đáng chú ý tại báo cáo. Rà soát độ an toàn của các đập thủy điện, Bộ trưởng cho hay Đoàn kiểm tra đang làm việc tại một số nhà máy tại 7 tỉnh Hà Giang; Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Đắc Nông, Đắc Lắc và Gia Lai. Dự kiến đến giữa tháng 6/2013, sẽ tiếp tục kiểm tra tại 3 tình Lâm Đồng, Bình Phước và Quảng Nam, phấn đấu hết năm kiểm định được toàn bộ các đập thủy điện theo quy định.
Bộ cũng tiếp tục đôn đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương hoàn thành phương án ứng phó tình huống vỡ đập Sông Tranh 2 và tổ chức diễn tập theo phương án được duyệt.
Nguồn VnEconomy