Chủ Nhật | 10/03/2013 21:55

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng làm rõ về các dự án bauxite

Việt Nam có trữ lượng 10-11 tỷ tấn bauxite. 2 dự án sản xuất alumin tại Tân Rai và Nhân Cơ là bước khởi đầu cho ngành công nghiệp nhôm.
Trong chương trình "Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời" tối 10/3, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã làm rõ một số vấn đề liên quan đến 2 dự án bauxite tại Tây Nguyên.

Về cơ sở của việc Việt Nam triển khai các dự án khai thác và chế biến bauxite tại Tây Nguyên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, theo khảo sát ban đầu, trữ lượng bauxite của Việt Nam khoảng 10-11 tỷ tấn và là một trong một số ít nước có trữ lượng bauxite lớn trên thế giới.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nhu cầu nhôm kim loại tăng mạnh những năm gần đây, dẫn đến nhu cầu alumin trên thế giới cũng tăng theo và tình hình trong nước cũng diễn ra tương tự. Theo dự báo, nhu cầu nhôm trong nước vào năm 2020 sẽ khoảng 0,75-1 triệu tấn và năm 2030 khoảng 1,6-2 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu hiện tại trong nước khoảng nửa triệu tấn và hàng năm phải chi khoảng trên 1 tỷ USD nhập khẩu.

Bộ trưởng đánh giá, hiện nay, việc triển khai các dự án thăm dò, khai thác và chế biến bauxite, trong đó giai đoạn đầu chế biến alumin là hết sức cần thiết, bởi nước ta đang phải nhập khẩu 100% nhôm kim loại.

Điều hết sức quan trọng là Việt Nam chủ trương tự làm chủ đầu tư từ khâu khai thác đến khâu chế biến bauxite, chỉ sử dụng công nghệ nước ngoài ở những khâu Việt Nam chưa làm được, vì bauxite tập trung tại một địa bàn chiến lược là Tây Nguyên. Do vậy, ở giai đoạn hiện nay, chúng ta mới đầu tư thí điểm 2 dự án khai thác bauxite và chế biến thành alumin tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông).

Về việc dự án Tân Rai chậm tiến độ hơn 2 năm và dự án Nhân Cơ có thể chậm tiến độ hơn 1 năm, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, nguyên nhân chính là các dự án có công nghệ phức tạp, lần đầu tiên được đầu tư ở Việt Nam và được thi công trong điều kiện khó khăn của vùng Tây Nguyên.

Theo Bộ trưởng, chủ đầu tư đã hoàn thành cơ bản việc đầu tư dự án tại Tân Rai, cuối tháng 12/2012 đã sản xuất thử thành công sản phẩm alumin đầu tiên với chất lượng được đánh giá cơ bản đạt yêu cầu; còn đối với dự án Nhân Cơ, do rút được kinh nghiệm từ dự án Tân Rai, tiến độ có được cải thiện hơn, hiện đã thực hiện được hơn 50% khối lượng xây lắp và dự kiến nửa đầu năm 2014 sẽ đưa vào vận hành.

Liên quan đến vấn đề giá alumin giảm xuống mức 326,5 USD/tấn, thấp hơn giá tính toán tại thời điểm phê duyệt dự án khoảng 10%, Bộ trưởng cho rằng, việc xem xét hiệu quả kinh tế các dự án đầu tư, nhất là những dự án có vốn đầu tư lớn, thời hạn hoạt động dài 30 – 40 năm... cần phải dựa trên những tính toán dài hạn, không thể chỉ căn cứ vào một thời điểm để khẳng định hiệu quả hay không hiệu quả.

Bộ trưởng đánh giá, 2 dự án là thí điểm bước đầu để hình thành ngành công nghiệp khai thác và chế biến nhôm của Việt Nam, do đó cần thời gian để khẳng định về mức độ chắc chắn của hiệu quả kinh tế. Tuy giá alumin trên thị trường thế giới tuy hiện nay thấp hơn giá tại thời điểm đầu năm 2009 khi phê duyệt dự án, nhưng mức giá này hoàn toàn có thể thay đổi trong vòng 5 hoặc 10 năm tới.

Ngoài ra, 2 dự án thí điểm tại Lâm Đồng và Đắk Nông không thuần tuý là 2 dự án kinh doanh của một doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp thì hiệu quả kinh doanh là một mục tiêu chủ yếu, nhưng đối với xã hội điều lớn hơn mà tất cả chúng ta mong đợi là hiệu quả tổng hợp về kinh tế-xã hội đối với phát triển vùng, phát triển ngành và phát triển nền kinh tế.

Theo thiết kế ban đầu, dự án đầu tư xây dựng cảng Kê Gà được lập với quy mô công suất:Năm 2015: 3,5 triệu tấn/năm;Năm 2020: 17,5 triệu tấn/năm;Năm 2025: 27 triệu tấn/năm;Năm 2030: 37 triệu tấn/năm.Dự án nhằm phục vụ cho các dự án bauxite-nhôm của Vinacomin và phục vụ các dự án khai thác chế biến titan, than cho các nhà máy điện
Khi được hỏi về việc dừng triển khai dự án cảng Kê Gà, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, dự án là xây dựng một cảng tổng hợp, tuy nhiên, trong quá trình xem xét lại Quy hoạch bauxite, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh cho phù hợp theo hướng quy mô khác thác và chế biến nhỏ hơn trước.

Tổng công suất của 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ với khoảng 1,3 triệu tấn/năm, thấp hơn nhiều so với thiết kế ban đầu. Mặt khác, hiện nay với việc tỉnh Bình Thuận đã có cảng Vĩnh Tân và đang chuẩn bị lập dự án xây dựng cảng trung chuyển than cho khu vực phía Nam, và việc khai thác Titan cũng đang tạm dừng cho đến khi có dự án chế biến sâu..., thì việc dừng xây dựng cảng Kê Gà là hợp lý.

Với lý do trên, theo đề nghị của Vinacomin và ý kiến của các Bộ, ngành liên quan như Bộ Công Thương, Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ..., Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho dừng đầu tư cảng Kê Gà. Trong thực tế hầu như chưa có sự đầu tư đáng kể nào cho dự án này.

Nguồn Khampha/Chính Phủ


Sự kiện