Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn khá nhiều vấn đề
Chiều nay (17/11), Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng.
Các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi về phát triển công nghiệp hỗ trợ, phải chăng Việt Nam thiếu các chính sách cụ thể để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển và trách nhiệm của Bộ trưởng cũng như Bộ Công thương trong sự chậm phát triển này. Đồng thời, đại biểu Quốc hội cũng mong muốn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ ra nguyên nhân của việc điến nay công nghiệp nước ta đa phần chỉ là lắp ráp, gia công...
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận trong thời gian qua công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn có khá nhiều vấn đề. Việt Nam đã có chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ tuy nhiên cấp độ pháp lý của các chính sách này đang còn thấp, cơ chế chính sách có nhưng chưa đầy đủ khiến chưa tạo được điều kiện để công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Một nguyên nhân được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ ra nữa là do quy mô sản xuất, dung lượng thị trường trong nước chưa đủ để doanh nghiệp sản xuất hỗ trợ đầu tư phát triển. Bộ trưởng cũng dẫn ra ví dụ về ngành ô tô, hiện trong nước chỉ sản xuất được trên dưới 70.000 xe với hơn chục nhà sản xuất thì không có nhà sản xuất hỗ trợ nào có thể cung cấp linh phụ kiện cho nhiều nhà sản xuất như thế. Theo Bộ trưởng, nghiên cứu cho thấy phải đạt được quy mô 100.000 xe thì mới đạt được hiệu quả đầu tư.
Hơn nữa, theo Bộ trưởng, sự phân công trong chuỗi sản xuất toàn cầu hiện nay khiến doanh nghiệp Việt Nam rất khó len chân vào khi sức đang yếu, lực chưa nhiều.
Công nghiệp hỗ trợ cũng đòi hỏi phát triển các nguyên vật liệu mới như thép, chất dẻo nhưng Việt Nam chưa làm được nên phải nhập, dẫn tới giá thành khó có thể cạnh tranh với nước ngoài.
Lao động cũng là một nguyên nhân khiến công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chưa phát triển, Bộ trưởng chỉ ra. Theo đó, công nghiệp hỗ trợ là ngành thâm dụng lao động, đòi hỏi tay nghề cao, thậm chí đạt tới mức nghệ nhân, nhưng hiện ở Việt Nam đang thiếu lao động như vậy. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết sắp tới sẽ trình chính phủ giải pháp để phát triển lao động trong lĩnh vực này.
Về tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, mức độ nội địa hóa của ô tô chở khách đến 80 chỗ là 40% (ô tô Trường Hải, Quảng Nam), xe nông dụng, chuyên dùng nội địa hóa được 70%, ô tô con thì tỷ lệ nội địa hóa chỉ 10%.
Xe máy đã đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 90%, mỗi năm xuất khẩu được 150.000 xe ra nước ngoài, kim ngạch trên 280 triệu USD. Công nghiệp xe máy Việt Nam đã phát triển, cạnh tranh, đẩy bật được xe của các nước láng giềng. Tỷ lệ nội địa hóa trong lĩnh vực điện tử gia dụng là 30 – 35%; Điện tử tin học thì khoảng 15%; Dệt may là 50% và da giày 60%.
Thời gian qua, Bộ Công thương đã ban hành ít nhất 3 văn bản về phát triển công nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thẳng thắn thừa nhận là chính sách có nhưng chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Hiện bộ đang soạn thảo, trình Thủ tướng Chính phủ một nghị định bao quát hơn, đồng thời kiến nghị Quốc hội ban hành Luật về công nghệ hỗ trợ trong thời gian tới.
Bộ trưởng Công thương đưa ra một số đề xuất phát triển công nghiệp hỗ trợ như có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, hình thành các trung tâm hỗ trợ công nghệ, nghiên cứu phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hỗ trợ tiếp cận thị trường, đào tạo lao động...
Nguồn DVO