Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Xem xét nâng mức trần sở hữu cho cổ đông nước ngoài
Trao đổi về lộ trình tái cơ cấu các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đóng vai trò như nào trong nền kinh tế khi mà Hiến pháp vẫn quy định Tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước vẫn đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế? Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam cho biết, trong Cương lĩnh, trong Đề án sửa đổi Hiến pháp, Điều 50, 51 có đề cập là kinh tế Nhà nước (NN) chứ không phải doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).
Theo Bộ trưởng, hai khái niệm này khác nhau. Kinh tế NN có thể hiểu nôm na là hệ thống tổng thể các cơ chế chính sách và nguồn lực của NN, trong đó có DNNN, ngoài ra có hệ thống ngân sách NN, hệ thống các quỹ… Đó là tiềm lực nòng cốt. Nhưng Hiếp pháp 1992 và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nêu rõ tất cả các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành của nền kinh tế và đều cạnh tranh bình đẳng.
Bên cạnh đó, ưu tiên khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài NN như kinh tế tư nhân phát triển. NN sẽ bảo hộ các sở hữu hợp pháp của tất cả các tổ chức. DNNN có vai trò quan trọng. Nhà nước đã tiến hành sắp xếp DNNN và đây là quá trình dài, hơn 10 năm qua, từ 12.000 DNNN, chúng ta đã sắp xếp, cổ phần hóa, bán khoán cho thuê, còn lại hơn 1.300 doanh nghiệp. Chúng ta đã có lộ trình và sẽ tiến hành cổ phần hóa các DN.
Cổ phần hóa không chỉ là vấn đề sở hữu vốn, mà vấn đề là thay đổi quản trị của doanh nghiệp đó. Khi có yếu tố ngoài NN tham gia, quá trình quản trị doanh nghiệp phải hoàn toàn minh bạch, công khai và theo tiêu chí chung của quốc tế. Đối với từng ngành cụ thể, Chính phủ sẽ quy định mức trần cổ phần, và các doanh nghiệp ngoài NN, các cổ đông nước ngoài có thể mua. Ví dụ trong ngân hàng, có các ngân hàng lớn là Vietinbank, Vietcombank, BIDV cũng đã cổ phần hóa.
Hiện nay mức trần được Chính phủ cho phép là 30%. Tới đây xem xét nâng mức đó lên. Cổ phần hóa không có nghĩa chúng ta phải bán hết, cũng không có nghĩa là phải giữ lại 70% hay 51%, mà tùy từng ngành, từng lĩnh vực. Vai trò chủ đạo, nòng cốt không chỉ nằm ở quy mô và số lượng của doanh nghiệp. Ngay trong một doanh nghiệp, ví dụ như ở nước ngoài, không nhất thiết NN phải giữ đa số, dù NN chỉ có 1% cổ phần thì đấy là cổ phần vàng, NN vẫn được quyền quyết định.
Vì vậy, việc tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp NN hoàn toàn không trái với định hướng, cương lĩnh và Dự thảo Hiến pháp. Điều này chỉ làm cho DNNN hiệu quả hơn, đảm đương chức năng quan trọng trong nền kinh tế, trong đó có chức năng dẫn dắt.
Nguồn Dân Việt