Bộ trưởng Thăng: Thay sếp doanh nghiệp không hoàn thành cổ phần hóa
Mấu chốt của tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là cổ phần hóa (CPH), thoái vốn đầu tư tại những lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ hoặc nắm giữ cổ phần không chi phối. Thực hiện yêu cầu này, năm 2013, Bộ GTVT lên kế hoạch CPH 54/94 doanh nghiệp trực thuộc.
"Một trong những nguyên nhân khiến tiến trình CPH bị chậm trễ là ban lãnh đạo doanh nghiệp sợ mất chức khi chuyển đổi sở hữu. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, chúng tôi ban hành hẳn nghị quyết nêu rõ, đơn vị nào không hoàn thành tiến trình CPH, cuối năm ban lãnh đạo bị điều chuyển đi làm việc khác", ông Thăng cho biết.
Tư lệnh ngành GTVT kể, lãnh đạo một số đơn vị vẫn chấp nhận yêu cầu CPH, nhưng "tha thiết" muốn Nhà nước giữ cổ phần chi phối.
"Tôi phê ngay vào các tờ trình là đồng ý bán hết, Nhà nước không cần thiết phải nắm giữ những lĩnh vực mà khu vực kinh tế khác làm tốt hơn, lấy tiền đầu tư vào việc khác có hiệu quả cho quốc kế dân sinh hơn", ông Thăng kể.
"Nhà nước cần gì phải nắm giữ vốn tại các doanh nghiệp xây lắp như Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, Cienco 1, Cienco 4… Kể cả Tổng công ty Cảng Hàng không, cái gì thuộc về quốc phòng, an ninh, bảo đảm quản lý bay, chủ quyền biên giới, an ninh lãnh thổ… thì Nhà nước đầu tư vốn và giữ cổ phần chi phối, còn lại cũng phải CPH hết. Cảng biển cũng vậy, chẳng có lý do gì để Nhà nước lại phải giữ cổ phần chứ chưa nói giữ cổ phần chi phối tại các cảng biển", ông Thăng phát biểu.
Bộ trưởng Đinh La Thăng chia sẻ, khi xây dựng kế hoạch chuyển đổi sở hữu Cảng Hải Phòng, nhiều ý kiến cho rằng, không nên CPH cảng biển này vì nó có truyền thống hàng trăm năm, gắn chặt với tình cảm của người dân đất Cảng.
"Tôi thấy rất lạ với suy nghĩ này, vì CPH xong Cảng Hải Phòng vẫn ở đấy, hoạt động tốt hơn, có tiền đề đầu tư, mở rộng, nâng cấp nên Cảng Hải Phòng có điều kiện xây tiếp truyền thống huy hoàng hơn, vậy thì chẳng có lý do gì lại không CPH".
Để tái cơ cấu doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung, theo ông Thăng phải thay đổi lại tư duy.
Trước đây, CPH ngoài đa dạng hóa sở hữu, chuyển đổi sở hữu còn nhằm mục đích thu hồi vốn nên bán vốn càng thặng dư nhiều càng tốt. Tư duy này cần phải thay đổi theo hướng, CPH nhằm mục đích quan trọng nhất là để đổi mới doanh nghiệp, cơ cấu lại hoạt động, quản trị, tài chính… của doanh nghiệp chứ không đặt mục tiêu thu hồi vốn hay giá bán phải cao hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp.
"Nếu thực hiện theo nguyên tắc này - ông Thăng nói tiếp - thì mặc dù thị trường chứng khoán gặp khó khăn, việc bán vốn không hề đơn giản nhưng vẫn có thể CPH được, tức là mở được cái chốt quan trọng nhất trong tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước".
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt việc sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; các bộ ngành địa phương cũng chỉ đạo rất quyết liệt việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo đúng hướng đi, lộ trình đã được xây dựng.
"Nếu mà trước đây CPH được Vinalines thì làm gì có chuyện Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn này nâng khống giá ụ nổi để chia nhau hàng triệu USD", ông Thăng đau xót và nhắc lại, riêng với ngành GTVT, bất cứ đơn vị nào không hoàn thành tiến độ CPH mà không phải do lý do khách quan bất khả kháng sẽ thay ngay ban lãnh đạo doanh nghiệp.
Nguồn Đầu tư