Thứ Sáu | 20/09/2013 22:51

Bộ trưởng Nội vụ: Chỉ 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ

Kết quả sơ bộ từ các địa phương cho thấy chỉ có 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ, theo Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình.
Thảo luận kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ngày 20/9, UB Thường vụ Quốc hội rất băn khoăn về chất lượng đội ngũ này.

Công chức cà kê lương như hiện nay là cao rồi

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thấy báo cáo đưa nhiều số liệu tương đối đầy đủ, nhưng chưa rõ hiệu quả làm việc, năng suất lao động của các cán bộ nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì nói: “Nghị quyết trung ương IV nhận định có một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức thoái hóa biến chất, vậy qua giám sát thấy tình hình này thế nào, tăng hay giảm?”

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng với chất lượng công chức như hiện nay khó mà cải cách lương.

“Công chức mà cứ sáng đi làm muộn, cà kê ăn sáng uống cà phê, chiều lại về sớm thì lương như hiện nay là cao rồi”, ông Hiển nói.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý cho biết đoàn giám sát cũng muốn tìm câu trả lời cho việc đúng hay không “1/3 công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.

“Nhưng các địa phương đều bảo chưa có tiêu chuẩn chung của Chính phủ nên chưa thể đánh giá cụ thể”, ông Lý cho biết.

Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình thừa nhận đây đang là vấn đề xã hội hết sức quan tâm.

“Bộ đã đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh có báo cáo phân tích chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đến ngày 31/12/2012. Nhưng hiện báo cáo gửi lên chưa đầy đủ nên chưa có số liệu cụ thể, sơ bộ số công chức không hoàn thành nhiệm vụ chỉ chiếm khoảng 1%”, ông Bình nói.

Bộ Nội vụ cam kết cuối tháng 9 sẽ họp báo công bố kết quả tổng hợp chính xác cuối cùng về đánh giá công chức cả nước.

Một câu hỏi khác mà báo cáo giám sát chưa trả lời được là có hay không tiêu cực trong công tác cán bộ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhận định: Trung ương Đảng từ khóa IX đã chỉ ra “5 chạy” trong đó có chạy chức, chạy quyền, chạy việc…, nhưng qua giám sát chưa thấy rõ vấn đề này.

“Nhiều trường hợp mới được đề bạt, bổ nhiệm, phong cấp một năm đã nghỉ hưu, thế là thế nào? Có thể chưa phải là tham nhũng nhưng có sự bất nhất trong việc thực hiện quy định của pháp luật, có bao nhiêu trường hợp như vậy, xử lý ra sao?”, ông Phước chỉ ra.

“Hay có hiện tượng địa phương cục bộ không, ông nào đứng đầu thì nhân viên nhận vào, thăng cấp, vượt chức đều là đồng hương, đồng khói không?”

Đồng tình đây là vấn đề nhức nhối, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết Chính phủ đang xây dựng chỉ thị về phòng chống tiêu cực trong tổ chức cán bộ và thi đua khen thưởng, đang hoàn thiện và gửi lấy ý kiến các cơ quan chức năng, có thể ban hành trong quý IV năm nay.

Báo cáo giám sát cũng chỉ ra nhiều bất cập khiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thấy buồn.

“Quản lý cán bộ theo hệ thống ngạch đã áp dụng từ năm 1993 đến nay chưa cải cách, nghĩa là giờ ta vẫn đang quản lý cán bộ theo kiểu của 20 năm trước, làm sao chất lượng đi lên được”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi thì lo cho tình hình trải thảm đỏ thu hút nhân tài vào khu vực công.

“Tuyển được họ về rồi nhưng không sử dụng, không tạo điều kiện, bỏ mặc họ điếu đóm trà nước, không giao việc tương xứng, họ chán, lại bỏ đi. Vì ngoài lương bổng chế độ chính sách, nhân tài còn cần môi trường để thi thố và cống hiến. Thế nên các cơ quan nhà nước nên có một chiến lược sử dụng nhân tài trước rồi hẵng nói chuyện trải thảm đỏ”, ông Thi nói.

Theo báo cáo giám sát, số lượng công chức được tuyển dụng đến hết năm 2012 là 525.481 người, hơn một nửa có trình độ đại học trở lên. Trong khi đó số lượng viên chức là 1.699.288 người, gần một nửa có trình độ đại học trở lên.

Nguồn Vietnamnet


Sự kiện