Chủ Nhật | 14/12/2014 20:31

Bộ trưởng Nguyễn Quân trả lời về số tiền 1.000 tỷ đồng cho nghiên cứu

Kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu không phải là hàng nghìn tỷ vì còn gồm cả cho chi thường xuyên và chi cho nghiên cứu phát triển.

Những thắc mắc về số tiền 1.000 tỷ đồng chi cho nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông nghiệp; việc áp dụng công nghệ biến đổi gen vào sản phẩm nông nghiệp của người nông dân, đặc biệt là việc đánh giá tác động của biến đổi gen đến sức khỏe và môi trường sẽ là những vấn đề đặt ra trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tuần này.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân sẽ trực tiếp trả lời những thắc mắc này của người dân.

PV: Thưa Bộ trưởng, báo cáo của Bộ Khoa học Công nghệ cho biết: Việt Nam hiện có khoảng 10.895 cán bộ khoa học công nghệ đang trực tiếp nghiên cứu công nghệ nông nghiệp. Tiền đầu tư chiếm hơn 1/3 kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ; còn kinh phí đầu tư thông qua Bộ NN&PTNT 5 năm qua trung bình 1 năm ngân sách nhà nước chi hơn 1.000 tỷ đồng cho nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp.

Một người dân quan tâm đến vấn đề này gửi thư về chuyên mục cho biết: Tôi là nông dân tôi thấy số tiền đó rất lớn, vậy mà tại sao nền khoa học công nghệ phục vụ cho nông nghiệp của chúng ta đến nay vẫn chưa thấy có thành tựu gì đáng kể? Xin mời Bộ trưởng trả lời câu hỏi này của người dân?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Trước hết tôi xin đính chính số liệu hơn 10.000 người làm khoa học công nghệ đó là đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ của Bộ NN&PTNT. Thứ hai, kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu không phải là hàng nghìn tỷ vì còn gồm cả cho chi thường xuyên và chi cho nghiên cứu phát triển.


Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân. (Ảnh: Internet)

Nếu tính trên 10.000 cán bộ nghiên cứu hay trên 100 Viện, Trung tâm nghiên cứu của Bộ NN&PTNT thì số tiền chia ra rất nhỏ. Đứng ở góc độ của người nông dân thì là số tiền lớn, nhưng nhìn ở góc độ quốc gia thì con số đó vẫn khiêm tốn, so với các nước cạnh chúng ta chỉ bằng 1/10 của họ.

Nếu nói ngành nông nghiệp của ta chưa phát triển gì đáng kể là chưa khách quan, bởi vì nước ta từ chỗ phải nhập khẩu lương thực bây giờ là nước có thứ hạng trong việc xuất khẩu gạo, 1 năm chúng ta xuất khẩu các mặt hàng nông sản và thủy sản đạt 30 tỷ USD, chiếm 20% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Nếu như hàng nông sản, thủy sản của chúng ta không đạt tiêu chuẩn quốc tế thì không thể xuất khẩu sang các nước đó được.

Về tổng thể mà nói chúng ta có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp lớn trong cả nước như công ty bảo vệ thực vật An Giang, hay ở phía Bắc có các đơn vị khoa học công nghệ ở Thái Bình, Nghệ An họ đã làm rất tốt việc đầu tư khoa học công nghệ cho nông nghiệp có hiệu quả lớn. Với những mô hình đó, tôi tin rằng một thời gian không xa nền nông nghiệp nước ta sẽ từng bước hiện đại không còn cảnh lạc hậu trong canh tác, làm ra nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.

PV: Còn nhớ cách đây 1 năm, cũng trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời vào tháng 6/2013, Bộ trưởng có nhắc đến áp dụng công nghệ bảo quản tiên tiến nhất của Nhật Bản, Israel để đảm bảo cho người nông dân có được sản phẩm có giá trị tối đa. Vậy Bộ Khoa học Công nghệ hiện đang tiến hành việc này như thế nào, có khó khăn gì trong quá trình áp dụng không, khi mà trong cả nước vẫn còn xảy ra hiện tượng được mùa mất giá đối với cà chua, thanh long, con tôm và cá ngừ?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Việc bảo quản chế biến sau thu hoạch là quan trọng để nâng cao giá trị nông sản, thủy sản của Việt Nam. Thời gian 1 năm đúng là dài, nhưng để làm chủ 1 công nghệ và đưa vào ứng dụng sản xuất công nghiệp thì thời gian cũng không phải dài.

Năm 2013, Bộ Khoa học Công nghệ đã tiếp cận công nghệ Cash của Nhật Bản và công nghệ Juran của Israel bảo quản rau quả và đã thí nghiệm thành công trên cá ngừ, tôm sú và quả vải thiều. Vụ vải vừa rồi, 1 container vải được bảo quản công nghệ Cash đã được đưa đến Nhật Bản và được đánh giá cao.

Tuy nhiên, để đầu tư thì chúng ta phải xây dựng thị trường, vấn đề là làm thế nào Nhật Bản chấp nhận nhập khẩu vải vào thị trường mới là vấn đề quan trọng. Việc này thì Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương làm việc với các đối tác Nhật Bản đến bạn tiếp nhận, tương tự như vậy với cá ngừ. Chúng ta đã làm chủ được thiết bị câu cá ngừ, thứ hai là công nghệ bảo quản cá ngừ công nghệ Cash.

Hiện chúng tôi đang chuẩn bị đầu tư nhà máy công nghệ bảo quản cá ngừ ở Phú Yên, chúng tôi hi vọng với việc làm chủ được thiết bị câu cá ngừ đại dương với nhà máy này sắp tới cá ngừ của Phú Yên và Bình Định sẽ bán sang Nhật Bản với số lượng nhiều và chất lượng tốt hơn. Riêng đối với quả vải, quả chôm chôm sau này sẽ tiến tới thanh long chúng ta có thể sử dụng công nghệ của Nhật và Israen để đảm bảo chất lượng cao hơn và xuất khẩu nhiều hơn.

PV: Một hộ kinh doanh cá thể chuẩn bị đầu tư vào ngành thực phẩm biến đổi gen gửi thư về chuyên mục bày tỏ sự băn khoăn: Việc cho phép sản xuất các loại lương thực, ngũ cốc biến đổi gen là điều lợi bất cập hại, bởi vì tuy giúp chúng bớt phụ thuộc vào nhập khẩu nhưng thay vào đó sẽ là phụ thuộc về giống, trong khi tác động của loại cây trồng này đến sức khỏe và môi trường vẫn chưa được kiểm định đầy đủ. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này là như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Cây trồng biến đổi gen có ưu điểm là có năng suất cao chống chịu được yếu tố sâu bệnh, khí hậu và năng suất ổn định. Tuy nhiên, lo ngại của bà con nông dân cũng có ý đúng là chúng ta bị phục thuộc về giống bởi chúng ta chưa làm chủ công nghệ về giống với cây trồng biến đổi gen, vì thế lực lượng khoa học của chúng ta phải nhanh chóng làm chủ được các khoa học công nghệ để tự túc được giống.

Trên thực tế Viện Nghiên cứu ngô của chúng ta cũng tạo ra các sản phẩm biến đổi gen nhưng chúng ta chưa triển khai đại trà và quy mô lớn. Vì thế sau một thời gian khảo nghiệm thấy rằng cây ngô và đậu tương biến đổi gen được mở rộng diện tích, đồng thời Bộ Tài nguyên Môi trường cũng đã cấp phép an toàn sinh học đối với hai loại cây này.

Trước mắt, ngoài việc chúng ta mở rộng diện tích khảo nghiệm, trong tương lai các Viện nghiên cứu của chúng ta phải nhanh chóng làm chủ được công nghệ tạo giống và vẫn nghiên cứu tác hại nếu có lâu dài của cây trồng biến đổi gen đối với sức khỏe con người.

PV: Một người dân từng đi thăm quan Nhật Bản về gửi thư về chuyên mục có hỏi: Tôi thấy ở Nhật Bản có nhiều trang trại trồng rau sạch công nghệ cao đem lại giá trị kinh tế không nhỏ. Ngoài ra tôi cũng được biết người Nhật đã đầu tư thử nghiệm trồng rau sạch thành công ở Lâm Đồng. Vậy tại sao đất của ta, nhân công của ta mà cuối cùng họ lại là người thu được thành quả như vậy?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Vấn đề là chúng ta chưa có công nghệ, người Israel còn trồng lúa trên sa mạc và năng suất trên 10 tấn ha/vụ, cho nên ngay ở Đà Lạt chúng ta trồng rau, hoa nếu như không áp dụng khoa học công nghệ cao thì chúng ta không đạt năng suất chất lượng như người nước ngoài đầu tư vào đây.

Điều đó nói lên khoa học công nghệ đóng vai trò quyết định đến năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, nếu như các doanh nghiệp không quan tâm đầu tư cho khoa học công nghệ thì chỉ có thể tạo ra những sản phẩm chất lượng năng suất thấp, chủ yếu là lấy công làm lãi.

Vì vậy, chúng tôi mong muốn bà con ở địa phương, các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư cho khoa học công nghệ, làm chủ công nghệ, trước mắt chúng ta phải mua công nghệ của nước ngoài nhưng phải nhanh chóng làm chủ, sáng tạo công nghệ đó để chúng ta làm được như các doanh nghiệp nước ngoài trên chính mảnh đất của chúng ta./.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.

Nguồn VOV