Thứ Ba | 18/11/2014 17:38

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Chi phí xây nhiều cao tốc Việt Nam thấp hơn so với khu vực

Trong khi đó, chi phí một số dự án cao là do một số yếu tố như chi phí giải phóng mặt bằng, xây cầu, hầm, ...

Chiều nay 18/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã có phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, hiện Bộ GTVT đang thực hiện tái cơ cấu ngành với 3 trụ cột chính là tái cơ cấu đầu tư công, DNNN và vận tải. Theo đó, Bộ thực hiện tái cơ cấu từng lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy và hàng hải thông qua tăng năng suất lao động, giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ,…

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, để thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, Bộ GTVT đã đề xuất nhiều chính sách để huy động, kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài vào cơ sở hạ tầng.

Hiện nay, để tiếp tục tạo đột phá, Bộ tiếp tục nghiên cứu chuyển giao quyền khai thác kết cấu hạ tầng để tạo nguồn lực triển khai các cơ sở hạ tầng mới theo hình thức cuốn chiếu. Nhà đầu tư sẽ phải tuân thủ các điều kiện hợp đồng khi nhận chuyển giao quyền khai thác, do đó, không được tự ý tăng mức thu phí. Mức thu phí phụ thuộc vào tổng mức đầu tư dự án, lưu lượng xe, …

Về dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 với tổng đầu tư 6 tỷ USD, tương đương khoảng 120.000 tỷ đồng, Quốc hội cho 60.000 tỷ không đủ cho dự án này, phải kêu gọi nhà đầu tư trong nước góp vốn và thu phí để hoàn vốn. Sắp tới tại Quốc lộ 1 sẽ áp dụng thu phí tự động (thu phí không dừng) để tiết kiệm thời gian và tránh thất thoát. Việc mở rộng quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa – Nghệ An sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, và hoàn thành toàn tuyến vào cuối năm 2015.

Về các công trình đội vốn, nguyên nhân gồm cả chủ quan và khách quan nhưng thời gian gần đây đều giảm, không tăng. Về chất lượng, tiến độ công trình, từ 2012 đến nay hoàn thành 112/148 công trình đúng hoặc vượt tiến độ, chỉ số ít công trình có vấn đề như cao tốc Nội Bài – Lào Cai lún, nứt.

Về ý kiến cho rằng suất đầu tư của Việt Nam cao nhất thế giới, Chính phủ giao Bộ kiểm tra, đánh giá các nguồn thông tin để so sánh đánh giá. Ở Việt Nam, chi phí xây cao tốc tương đương Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với Nhật Bản, nhiều dự án thậm chí thấp hơn so với các nước trong khu vực.

Ví dụ, dự án cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên là 4,19 triệu USD/km, Nội Bài – Lào Cai 6,94 triệu USD/km. Tuy nhiên một số dự án cao như Bến Lức - Long Thành là 25,8 triệu USD/km do nhiều đoạn qua nền đất yếu nên suất đầu tư cao hơn. Ngoài ra, chi phí GPMB lớn cũng dẫn đến suất đầu tư cao, chi phí ở các nút giao như hầm đường bộ, cầu vượt, suất đầu tư cũng cao hơn.

Nguồn DVO