Bộ trưởng Dầu mỏ Arab Saudi: Tại sao OPEC phải giảm sản lượng?
Bộ trưởng Dầu mỏ Arab Saudi Ali al-Naimi hôm thứ Tư 10/12 đã bác bỏ đề xuất rằng nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới này có thể giảm sản lượng nhằm ngăn giá dầu giảm sâu hơn nữa, đồng thời tuyên bố sản lượng dầu của Arab Saudi vẫn ổn định từ tháng trước.
Tuyên bố này của ông al-Naimi càng khẳng định sự thay đổi trong chính sách của Arab Saudi với tư cách một trong những nước cung cấp dầu lớn nhất thế giới.
Bộ trưởng Dầu mỏ Arab Saudi: Tại sao OPEC phải giảm sản lượng? |
Giá dầu đã giảm 13 USD/thùng kể từ cuộc họp hôm 27/11 của OPEC. Nhưng khi được hỏi hôm 10/12 rằng ông có cho rằng cần phải giảm sản lượng dầu trước phiên họp tới của OPEC vào tháng 6/2015, ông al-Naimi đáp “Tại sao OPEC phải giảm lượng? Tại sao?”.
Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Venezuela và đại diện OPEC Rafel Ramirez đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi của ông al-Naimi: OPEC phải hành động vì “đó là nhiệm vụ của khối. OPEC muốn sự ổn định trên thị trường và khả năng có thể dự đoán được”.
Ông Ramirez cho biết, Venezuela sẽ cân nhắc việc có triệu tập phiên họp khẩn cấp OPEC hay không sau khi xem diễn biến giá dầu trong quý I/2015. Giá dầu tuột dốc không chỉ khiến Venezuela mà tất cả thành viên OPEC lo ngại.
Tháng trước, Venezuela đã thúc giục OPEC cắt giảm sản lượng.
Ông al-Naimi cho biết, sản lượng dầu thô của Arab Saudi trong tháng 11/2014 đạt 9,6-9,7 triệu thùng/ngày và sẽ không có gì thay đổi trừ khi khách hàng yêu cầu họ muốn mua thêm dầu.
Bình luận của ông al-Naimi đưa ra sau khi số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu của Mỹ trong tuần kết thúc vào 5/12 tăng mạnh và OPEC hạ dự báo nhu cầu toàn cầu đối với dầu thô của Khối trong năm 2015.
Việc Arab Saudi quyết định để thị trường dầu tự điều tiết đã khiến giá dầu rơi tự do. Giới thương nhân đang tự hỏi giá dầu còn phải giảm đến đâu nữa trước khi Arab Saudi tiến hành can thiệp và đang cố tìm dấu hiệu cho thấy sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng trưởng chậm lại.
Đối với Venezuela, tình hình ngày càng xấu hơn khi nước này cần giá dầu ở 100 USD/thùng để cân bằng ngân sách.
Trong khi đó, ông al-Naimi lại đưa ra một thông điệp khác. Các nước đều biết thị trường vận hành thế nào. Hàng hóa nào cũng vậy, kể cả dầu, giá lên và xuống, lên và xuống.
Khi được hỏi ông có lo lắng về giá dầu hiện nay, ông al-Naimi trả lời “các bạn đã thấy tôi lo lắng bao giờ chưa?”.
Nguồn DVO/Reuters