Bộ trưởng Công thương nhận lỗi về việc chậm ban hành nghị định quản lý giá xăng dầu mới
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thời gian vừa qua, thực tế cho thấy Nghị định 84 về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu quản lý điều hành giá xăng dầu theo thị trường.
Trước đây, vì mục tiêu kiềm chế lạm phát, nên việc điều hành đã có lúc giật cục khi giá thế giới tăng lên rồi mà chúng ta vẫn giữ ở giá thấp, khi tăng thì tăng lên mức quá cao và như thế gây ra những cú sốc giá cả trên thị trường. Thời gian gần đây thì vấn đề này đã khác.
Việc sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng ví như "một cái van" rất quan trọng trong việc điều tiết, bình ổn giá. Trong năm 2013, 5 tháng đầu năm 2014, "cái van" này đã được sử dụng triệt để, cùng với quy định về lợi nhuận định mức của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu.
Thời gian qua, việc đưa ra giá tối đa đã làm xuất hiện yếu tố cạnh tranh trên thị trường. Có những đợt mà không có đơn vị kinh doanh xăng dầu nào lấy giá tối đa. Như thế, thị trường đã cạnh tranh hơn và người dân được hưởng lợi từ đó.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, việc điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 84 là cần thiết. Ngày 3/6 vừa qua, Thủ tướng đã có kết luận về Nghị định sửa đổi Nghị định 84, thời gian tới hai bộ Tài chính và Công thương sẽ sửa đổi lần cuối và sớm ban hành.
Một trong những nội dung quan trọng sửa đổi là rút ngắn chu kỳ tính giá cơ sở, chu kỳ càng ngắn thì càng phản ánh đúng giá thị trường. Trong nghị định sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất rút ngắn chu kỳ tính giá cơ sở từ 30 ngày xuống 15 ngày, và thời gian giữa 2 lần tăng rút ngắn từ 15 ngày xuống còn 10 ngày.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng nhận lỗi trước Quốc hội về việc chậm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 84.
Về việc chuyển việc quản lý giá xăng dầu sang Bộ Công thương, Bộ trưởng Dũng cho biết, đó là theo quy định của Luật Giá. Việc chuyển điều hành sang Bộ Công thương là bình thường, Bộ Tài chính sẽ vẫn thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn.
Đại biểu Lê Thị Nga cho rằng, chuyển về cho Bộ Công thương là không khách quan vì Bộ Công thương là cơ quan chủ quản của Petrolimex - đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu, cũng là chủ quản cơ quan quản lý cạnh tranh, quản lý thị trường xăng dầu. Giờ Bộ Công thương lại quản lý cả giá xăng dầu thì sẽ xung đột về quyền lợi, khó đảm bảo được tính khách quan.
Nguồn Theo DVO