Thứ Tư | 12/06/2013 23:41

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Khó khăn lớn nhất của nông nghiệp là thị trường tiêu thụ

Chính phủ cần ưu tiên chính sách thuế để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Tại buổi đại biểu chất vấn Quốc hội chiều nay (12/6), ông Cao Đức Phát- Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trả lời ý kiến liên quan đến phát triển và giải quyết khó khăn cho ngành nông nghiệp.

Khó khăn lớn nhất của nông dân là thị trường tiêu thụ

Trả lời chất vấn của đại biểu về việc thu nhập người sản xuất nông nghiệp giảm mạnh, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết do thị trường tiêu thụ khó khăn nên thu nhập của nông dân suy giảm liên tục.

Để giảm bớt khó khăn cho nông dân, thời gian qua Chính phủ đã thu mua 1 triệu tấn gạo dự trữ để kích cầu lúa gạo. Kết quả cho thấy giá lúa ở ĐBSCL có chiều hướng tăng lên từ 100 đến 200 đồng/kg.

Theo Bộ trưởng, giải pháp lâu dài để giải quyết việc này đã được đưa ra trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhưng Chính phủ cần tăng đầu tư vào chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như có các chính sách cụ thể để phát triển ngành nông nghiệp và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Sản xuất thức ăn chăn nuôi còn nhiều bất cập

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi lượng sản phẩm gia súc gia cầm nhập từ bên ngoài vào tăng làm lợi nhuận của người chăn nuôi trong nước giảm. Bên cạnh đó, ngành thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài khiến sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nước ngoài tăng lên.

Bộ trưởng cho biết, Bộ đang thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành và rà soát tái cơ cấu ngành chăn nuôi, đồng thời tập trung giải quyết năng suất chăn nuôi gia súc gia cầm.

Theo số liệu Bộ trưởng đưa ra, 33% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, Bộ đang thúc đẩy sản xuất ngô và đỗ tương để phục vụ ngành này mặc dù sản xuất đỗ tương trong thời gian tới chắc chắn vẫn gặp nhiều khó khăn về năng suất.

Khó khăn trong sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật

Vấn đề sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không được quản lý chặt chẽ dẫn đến tình trạng thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm, giá thành phân bón tăng cao gây khó khăn cho người dân.

Theo đánh giá của Bộ trưởng, Việt Nama không có nguồn kali nên hiện 100% phân bón kali nhập khẩu từ nước ngoài, cả nước tự chủ sản xuất được 50% phân photpho và khoảng 2/3 khối lượng phân đạm cần cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.

"Còn về vấn đề thuốc bảo vệ thực vật, phần lớn thuốc giả có nguồn gốc nhập khẩu. Nhà nước sẽ gia tăng kiểm soát các cơ sở sản xuất và cho dừng các cơ sở loại C không đạt yêu cầu", Bộ trường nhấn mạnh.

Theo bộ trường Cao Đức Phát, chính sách thuế ảnh hưởng rất lớn đến phát triển ngành nông nghiệp, do đó kiến nghị Chính phủ có những ưu tiên thuế trong các lĩnh vực liên quan để thu hút nhà đầu tư vào ngành nông nghiệp.

Sau những ý kiến trả lời của Bộ trưởng, một đại biểu cho rằng Bộ trưởng cần phải mạnh mẽ hơn nữa trong việc đưa ra các chính sách điều hành và đề xuất với Chính phủ các gói giải pháp cụ thể hơn, thiết thực hơn.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện