Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Phát triển công nghiệp phụ trợ chính là phát triển doanh nghiệp tư nhân
Mặc dù không có trong danh sách Bộ trưởng trả lời chất vấn Quốc hội, sáng nay 18/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã có phần phát biểu bổ sung cho phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công thương về vấn đề phát triển công nghiệp phụ trợ Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, công nghiệp phụ trợ là một trong những vấn đề rất lớn của đất nước. Các nước thu hút đầu tư nước ngoài nhiều, kinh tế phát triển thì đều có công nghiệp phụ trợ phát triển, điều này cho thấy công nghiệp phụ trợ rất quan trọng, có công nghiệp phụ trợ phát triển thì mới hấp thu được công nghệ, hấp thu được đầu tư nước ngoài tạo ra giá trị gia tăng trong chính nội địa của mình.
Bộ trưởng Vinh cho biết đã trăn trở rất nhiều về công nghiệp phụ trợ, đây là vấn đề rất khó. Bộ Công thương được giao nhiệm vụ soạn thảo cơ chế chiến lược để phát triển công nghiệp phụ trợ của đất nước, tuy nhiên ông chia sẻ với bộ Công thương rằng việc này không đơn giản. Ngay cả khái niệm thế nào là công nghiệp phụ trợ cũng gây tranh luận rất nhiều, phụ trợ có nghĩa là phải có 1 cái chính, thì cái nào là chính, cái nào là phụ cho cái chính đó, bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư phát biểu.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, công nghiệp phụ trợ, phát triển công nghiệp phụ trợ chính là phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ hay khối doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam. Nếu trong chính sách công nghiệp phụ trợ không đề cập đến mảng này thì sẽ là một sai lầm và chúng ta sẽ loay hoay chọn ngành nào, mặt hàng nào cũng không đơn giản.
Việt Nam cần có một lực lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) mạnh, trong đó thực chất là doanh nghiệp tư nhân bởi doanh nghiệp nhà nước của chúng ta đang cổ phần hóa để giữ những then chốt trong nền kinh tế còn chuyển lại những cái này cho doanh nghiệp tư nhân làm. Theo Bộ trưởng, nếu doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam thì không chỉ tạo ra một động lực mạnh mẽ cho đất nước, tạo ra công ăn việc làm mà còn tạo ra một chuỗi giá trị gia tăng quan trọng để phục vụ cho những sản phẩm công nghiệp chính, tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng này. Chúng ta sẽ không chỉ nhập nguyên liệu về lắp ráp, gia công.
Bộ trưởng cho biết đã đề nghị chính phủ có cuộc họp chuyên ngành về doanh nghiệp tư nhân, SME. Rất vui vì trong nghị quyết Quốc hội vừa rồi đã chọn 2015 là năm doanh nghiệp, khắc phục, giúp đỡ cho SME, ông Vinh chia sẻ.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đồng tình ủng hộ việc hỗ trợ doanh nghiệp, tạo ra môi trường thông thoáng, minh bạch nhất cho người dân, mọi người có tiền không gửi vào ngân hàng mà mang tiền đó thành lập doanh nghiệp.
Bộ trưởng kiến nghị: "các luật phải minh bạch để mọi người đọc lên hiểu rằng ra phải làm thế và cứ như thế đến cơ quan công quyền là sẽ được cấp phép, không bị ai hành gì cả. Chứ bây giờ có tiền để mà có giấy phép, xin giấy hành nghề, phát triển doanh nghiệp quả là một vấn đề không đơn giản."
Ngoài ra, cũng lưu ý vấn đề khuyến khích khởi nghiệp cho doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện để họ tiếp cận vốn đơn giản, dễ dàng.
Về chuyển giao công nghệ, Bộ trưởng cho biết đã làm việc với Samsung, các tập đoàn lớn của Đức, và nhất là Nhật Bản, họ sẵn sàng chuyển giao các công nghệ cho SME Việt Nam tiếp cận công nghệ, họ sẽ nhận lại sản phẩm mình làm ra để lắp ráp. Nhưng rất tiếc, Việt Nam chưa có đủ lực lượng, chưa quan tâm nhiều. Bộ Kế hoạch và đầu tư đã tổ chức nhiều hội nghị ở cả nước, tuy nhiên thực tế số doanh nghiệp tiếp cận được công nghệ này chưa nhiều.
Vấn đề cuối cùng là thị trường, không chỉ là cho các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp sản xuất lắp ráp mà còn tham gia vào chuỗi giá trị, cung ứng của thế giới.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, vấn đề quan trọng nhất của công nghiệp phụ trợ là cổ vũ, động viên mạnh mẽ lực lượng doanh nghiệp SME và doanh nghiệp tư nhân. Khi khối doanh nghiệp SME, tư nhân mạnh thì họ sẽ có nhu cầu tìm kiếm công nghệ, tìm kiếm sản phẩm, thị trường, chúng ta hỗ trợ họ để làm ra những sản phẩm có giá thành cạnh tranh. Đây chính là chiến lược để tạo ra một nền công nghiệp phụ trợ tốt cho Việt Nam.
Nguồn DVO