Chủ Nhật | 01/07/2012 22:38

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Nợ trên vốn chủ sở hữu của DNNN chưa đáng ngại

Bộ trưởng Vinh cho biết, hiện tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp nhà nước là 1,36 lần, chưa bằng một nửa so với với quy định.
Trong bài phỏng vấn đăng trên Vietnam+ hôm nay, trả lời câu hỏi về việc các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có phải là gánh nặng của ngân sách và nền kinh tế khi có tới 30 trong số 85 tập đoàn, tổng công ty nhà nước có số nợ trên vốn chủ sở hữu quá 3 lần, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, điều này không quá lo ngại.

Nguyên nhân, theo Bộ trưởng Vinh, do Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định rõ tỷ lệ nợ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trên vốn chủ sở hữu không được vượt quá 3 lần, trong khi theo số liệu của Bộ Tài chính, hiện tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của các DNNN là 1,36 lần, chưa bằng một nửa so với với quy định.

Cụ thể, Bộ trưởng cho biết, tổng số nợ của DNNN là 1.008.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 790.000 tỷ đồng.

Nhiều trường hợp có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao do phục vụ yêu cầu sản xuất như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đơn vị đang phải đi vay rất nhiều để xây dựng, phát triển nguồn điện, các nhà máy điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

"Khi các nhà máy điện đi vào hoạt động, EVN có thể thu hồi và trả nợ. Do vậy, chúng ta không nên đánh giá tập đoàn, tổng công ty nhà nước là gánh nặng của ngân sách và nền kinh tế", Bộ trưởng Vinh nói.

Về vấn đề sai phạm tại một số đơn vị, Bộ trưởng cho rằng, bên cạnh trách nhiệm của hệ thống tổ chức quản lý như bộ, ngành, cơ quan chủ quản, hệ thống chính trị như các tổ chức đảng, công đoàn tại doanh nghiệp, thì nguyên nhân cơ bản là do người quản lý trực tiếp, người được giao thay mặt nhà nước quản lý vốn tại doanh nghiệp.

"Ví dụ như trong các vụ việc sai phạm tại Vinashin, Vinalines, các cơ quan thanh tra, điều tra đều có kết luận rõ ràng là sai phạm do cá nhân cố ý làm trái. Họ biết việc làm đó pháp luật không cho phép, không được làm nhưng vì lợi ích cá nhân, vẫn cố tình làm trái. Chúng ta cần xem xét, xử lý nghiêm minh các sai phạm nhưng cũng không nên phủ nhận toàn bộ công sức của hàng triệu cán bộ, viên chức, kỹ sư, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước", Bộ trưởng nói.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng cho rằng, cốt lõi nhất là có chế tài mạnh mẽ hơn nữa để buộc các doanh nghiệp công khai, minh bạch thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh, tình hình tài chính hàng năm như đối với các doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Bên cạnh đó, cũng cần có chế tài để kiểm toán bắt buộc hàng năm đối với các doanh nghiệp nhà nước.

Nguồn Vietnam+


Sự kiện