Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Chưa tăng giá điện trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015
Tại phiên họp ngày 22/1/2015 của Tổ công tác liên Bộ điều hành kinh tế vĩ mô gồm Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, giá điện sẽ không tăng trước Tết Nguyên đán Ất Mùi.
Sau Tết, việc tăng ở mức nào, tăng bao nhiêu sẽ tính sau và phải cân nhắc phù hợp với bối cảnh nền kinh tế dưới tác động của giá dầu. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã xây dựng, trình 3 phương án tăng giá điện. Tuy nhiên, trước mắt, từ giờ đến Tết Nguyên đán, sẽ không bàn chuyện tăng giá điện.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã yêu cầu các đơn vị phụ trách phải tính toán minh bạch, chính xác về giá thành điện hiện nay. Trong đó, có 2 yếu tố phải xem xét, một là tỷ lệ tiêu hao, tổn thất điện năng từ khâu sản xuất cho đến tiêu thụ. Hiện nay, tỷ lệ này ở Việt Nam còn quá lớn, vì vậy cần phải có phương thức nhằm giảm xuống để hạ giá thành điện. Thứ hai là năng suất lao động trong ngành điện còn thấp, cần phải nâng lên để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh điện. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, trên cơ sở đó, cơ quan quản lý cần tính toán giá thành điện cho hợp lý hơn, đồng thời đưa ra những cơ sở để nâng giá điện cho phù hợp, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng.
Trong Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015 diễn ra đầu tháng 1/2015, ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hai đợt tăng giá than cho sản xuất điện, điều chỉnh giá khí trên bao tiêu theo giá thị trường, thuế tài nguyên nước tăng từ 2% lên 4%, bổ sung phí môi trường rừng năm 2011, 2012 của các nhà máy điện độc lập dưới 30MW, nên tỷ suất lợi nhuận là rất thấp.
Trước đó, chiều ngày 30/12/2014, Bộ Công Thương tổ chức họp báo công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2013 của EVN. Theo số liệu của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), trong năm 2013, sản lượng điện thương phẩm thực hiện đạt 115,28 tỷ kWh; tỷ lệ tổn thất hệ thống điện ở mức 8,87%. Lợi nhuận từ hoạt động đầu tư vào các công ty cổ phần đạt 441,81 tỷ đồng. Tổng cộng lãi hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2013 của EVN là 4.938,44 tỷ đồng. Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, EVN đã công bố lỗ giai đoạn 2010-2011 là 12 nghìn tỷ đồng; lỗ chênh lệch tỷ giá 26 nghìn tỷ đồng.
Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá nhu cầu điện năng của Việt Nam sẽ vẫn cao (dự kiến là 12% trong giai đoạn 2015-2020). Với mức tăng trưởng đó, tổng vốn đầu tư cho các dự án điện sẽ phải vào khoảng 7,5 tỷ USD/năm. Theo tính toán, 70% số vốn này phụ thuộc vào khu vực tư nhân thông qua các dự án IPP (nhà máy điện độc lập). Tuy nhiên, việc giá điện đã không tăng từ hơn một năm qua và biểu giá điện hiện đang dưới giá thành khiến mục tiêu nói trên không thể đạt được, nếu không có biểu giá mới phù hợp.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho biết, hiện nay, giá điện của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực, sẽ gây lãng phí trong sử dụng điện, không tiết kiệm. Mức giá điện phải đảm bảo ngành điện có lãi nhất định để tái đầu tư, thu hút được vốn đầu tư vào lĩnh vực điện. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương án giá điện nào, bao giờ thì sẽ quyết định thì các đơn vị quản lý sẽ phải cân nhắc với tình hình chung của nền kinh tế dưới tác động của giá dầu. Việc này sẽ đảm bảo cân đối lợi ích của người dân và doanh nghiệp sản xuất.
Nguồn DVO/Moit