Thứ Sáu | 25/10/2013 09:01

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Cần thiết nâng trần bội chi, phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ

Nếu Quốc hội không cho phép nâng trần bội chi, hoặc không cho phép phát hành bổ sung TPCP thì hậu quả đầu tiên là thâm thủng ngân sách rất nặng nề.
Sáng 24/10, Quốc hội có phiên thảo luận đầu tiên tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, trong đó, vấn đề được quan tâm nhất là có nên nâng trần bội chi và phát hành bổ sung trái phiếu chính phủ hay không. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh chia sẻ quan điểm về vấn đề này.

Thưa Bộ trưởng, nếu tại kỳ họp này, Quốc hội không thông qua việc nâng trần bội chi lên 5,3% GDP và phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ giai đoạn 2014 - 2016, thì hệ quả gì sẽ xảy ra?
Nếu Quốc hội không cho phép nâng trần bội chi, hoặc không cho phép phát hành bổ sung trái phiếu chính phủ, thì hậu quả đầu tiên là thâm thủng ngân sách sẽ rất nặng nề. Khi đó, Chính phủ sẽ rất khó xử lý các cân đối, buộc phải cắt giảm những khoản chi rất cơ bản, thậm chí cả chi an sinh xã hội, chi đầu tư phát triển cũng giảm mạnh.

Hiện nay, vốn đầu tư phát triển đóng góp 57 - 60% vào tăng trưởng GDP nước ta. Chi đầu tư giảm, thì kinh tế sẽ không thể tăng trưởng, thậm chí là đi xuống, ngân sách không có nguồn thu, không đảm bảo an sinh xã hội…

Vậy nếu như Quốc hội thông qua đề xuất trên của Chính phủ, tăng trưởng GDP năm tới có thể đạt 5,8%, thưa Bộ trưởng?

Nâng bội chi và tăng phát hành trái phiếu chính phủ 170.000 tỷ đồng chỉ đóng góp thêm một phần nguồn lực để chúng ta thực hiện mục tiêu tăng trưởng, vì hiện bố trí đầu tư trong ngân sách rất thấp.

Do đó, nếu có thêm nguồn lực trái phiếu chính phủ, thì sẽ làm nguồn lực được tăng lên, tránh được tình trạng lãng phí do đầu tư dở dang. Bởi hiện chúng ta đang có hàng ngàn công trình của các giai đoạn trước đang được triển khai, nếu không hoàn thành để đưa vào sử dụng, thì sẽ rất lãng phí, nền kinh tế không có nguồn lực mới. Còn nếu bỏ thêm một ít chi phí nữa để đưa vào sử dụng, thì sẽ tạo nguồn lực mới cho kinh tế đất nước phát triển.

Ví dụ, nếu Dự án Quốc lộ 1A hoàn thành, thì sẽ giúp lưu thông của nền kinh tế tăng lên, thúc đẩy tăng trưởng GDP. Hay nếu chúng ta có vốn đối ứng để đưa vào giải phóng được 20 tỷ USD vốn ODA những năm tới, thì sẽ tạo nguồn lực rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tóm lại, đề xuất của Chính phủ lần này về phát hành bổ sung trái phiếu chính phủ rất quan trọng, thiết thực, không phân bổ tràn lan, mà có trọng tâm, trọng điểm vào những công trình, dự án thiết thực.

Tăng đầu tư công trong bối cảnh tín dụng bị nghẽn như hiện nay là rất cần thiết để tạo lan tỏa xã hội. Song nếu tăng bội chi, tăng phát hành trái phiếu chính phủ, liệu trần nợ công có bị phá vỡ?

Đương nhiên, vay nợ sẽ làm nợ công tăng. Song theo tính toán của Bộ Tài chính, tăng bội chi và bổ sung trái phiếu chính phủ với mức độ như Chính phủ đề xuất vẫn đảm bảo trần nợ công ở mức an toàn.

Hơn nữa, ngưỡng nợ công chỉ là một chuyện. Vấn đề quan trọng nhất là đồng tiền đó phải được sử dụng hiệu quả, tạo sự tăng trưởng và qua đó, tạo khả năng trả nợ.

Trên thế giới, trần nợ công các nước rất khác nhau. Điều mà các nước quan tâm không chỉ là ngưỡng nợ công, mà quan trọng hơn là khả năng trả nợ của nền kinh tế đó. Vay ít, mà không có khả năng trả nợ, thì cũng rất nguy hiểm, còn vay nhiều, mà có khả năng trả nợ sẽ không có vấn đề gì.

Thưa Bộ trưởng, điều mà không ít đại biểu Quốc hội băn khoăn là làm sao giám sát để đảm bảo nguồn vốn đầu tư nhà nước có hiệu quả?

Hiện chúng ta đã có tất cả khung pháp lý để giám sát, quản lý vốn đầu tư công, song còn rải rác ở nhiều văn bản khác nhau và chưa đủ mạnh. Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ là văn bản quan trọng và thiết thực để khắc phục tình trạng dàn trải trong đầu tư công.

Điều quan trọng tới đây, là phải có một bộ luật về đầu tư, nhất là đầu tư công. Do vậy, tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội Dự thảo Luật Đầu tư công.

Dù dự luật này chưa bao quát được tất cả, nhưng nếu được thông qua, sẽ là biện pháp rất quan trọng để quản lý tốt hơn nguồn vốn đầu tư ngân sách và trái phiếu chính phủ.

Nguồn Đầu tư


Sự kiện