Thứ Ba | 11/12/2012 06:30

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư: Thu hút vốn FDI 2012 dự kiến đạt 13 tỷ USD

Thu hút vốn FDI năm 2012 dự kiến không đạt mục tiêu đề ra là 14-15 tỷ USD. Năm 2013, Việt Nam vẫn giữ nguyên chỉ tiêu thu hút vốn FDI.
Bên lề hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) năm 2012, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, dự kiến năm 2012, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà Việt Nam thu hút được đạt 13 tỷ USD, giải ngân vốn FDI đạt 10,5 tỷ USD.

Như vậy, thu hút vốn FDI của năm 2012 ước không đạt chỉ tiêu mà Cục đầu tư nước ngoài đặt ra là sẽ thu hút được khoảng 15 - 16 tỷ USD và giải ngân khoảng 10 - 11 tỷ USD.

Sang năm 2013, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh dự kiến, tổng vốn FDI thu hút được là 14 - 15 tỷ USD, giải ngân 10 - 11 tỷ USD. Như vậy, năm sau, Việt Nam vẫn giữ nguyên mục tiêu thu hút và giải ngân vốn FDI như năm 2012 mặc dù không đạt chỉ tiêu trong năm nay.

Bên cạnh nguồn vốn FDI, năm 2013, Việt Nam cũng nhận được gần 6,5 tỷ USD từ các nhà tài trợ qua hội nghị CG, giảm khoảng 900 triệu USD so với số vốn năm 2012.

Theo Bộ trưởng Vinh, hiện nay băn khoăn lớn nhất với việc sử dụng vốn ODA là làm sao giải ngân dự án đúng tiến độ. Bộ trưởng đánh giá, việc giải ngân vốn ODA chậm trong thời gian qua chủ yếu do 4 nguyên nhân.
Thứ nhất, thiếu vốn đối ứng. Cụ thể, khi ký cam kết, các địa phương, bộ ngành đều ký là đảm bảo vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA. Nhưng thực tế, địa phương không đáp ứng được số vốn đối ứng cam kết mà trông chờ vào cấp trên, trong khi cấp trên cho rằng việc đó là do các đơn vị ký thì phải tính toán điều này.

Thứ hai, việc giải phóng mặt bằng chậm trễ, nhất là dự án có quy mô lớn như đường cao tốc do chính sách đền bù đất đai.

Thứ ba là do ban quản lý dự án ODA thiếu năng lực và tính chuyên nghiệp. Việc vướng mắc từ khâu lập báo cáo tiền khả thi, dự toán, thiết kế khiến quá trình thực hiện phải điều chỉnh nhiều.

Thứ tư là tính tham ô, tham nhũng trong việc sử dụng vốn ODA.

Trước thách thức là thiếu vốn đối ứng trong bối cảnh năm 2013 đầu tư công sẽ cắt giảm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá để giải ngân vốn ODA hiệu quả là "bài toán khó". Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, trong nguyên tắc bố trí vốn ngân sách cho đầu tư phát triển từ 2013 - 2015, Thủ tướng đã đặt nguyên tắc ưu tiên vốn đối ứng cho dự án ODA là ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng kêu gọi các nguồn lực khác tham gia, nhất là lĩnh vực tư nhân, đồng thời sửa đổi luật đất đai để giải phóng mặt bằng tốt hơn, nâng cao năng lực của ban quản lý vốn ODA.

Tại hội nghị CG năm nay, các đại biểu cũng nhất trí về việc chuyển đổi hình thức của CG thành Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam (VDPF) từ năm 2013 trở đi.Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, việc thay đổi hình CG không hẳn là do Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình. Mà việc Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình chỉ khiến trong cơ cấu của ODA viện trợ cho Việt Nam thì khoản vay ưu đãi sẽ giảm đi, và tỷ trọng về vốn vay thương mại tăng lên. "Đây không phải là nhân tố quyết định đến thay đổi CG", Bộ trưởng nói.Thực chất, việc chuyển đổi, theo giải thích của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư là do thời gian qua, CG chủ yếu được coi là nơi công bố thật nhiều ODA viện trợ cho Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay việc công bố vốn viện trợ không phải chiếm toàn bộ thời gian của diễn đàn này mà trọng tâm là đối thoại chính sách cấp cao, củng cố niềm tin của nhà tài trợ với Việt Nam.

Nguồn Khampha


Sự kiện