Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư: Không thể tính toán cụ thể chi phí tái cơ cấu kinh tế
Về mặt chủ yếu, các doanh nghiệp phải dùng nguồn lực của mình để tái cơ cấu công nghệ, quản trị. Những nguồn lực này doanh nghiệp phải bỏ ra.
Về phía Nhà nước, theo Bộ trưởng, ngân sách nhà nước cũng không thể bỏ ra gói hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng mà điều quan trọng nhất là có chính sách định hướng cho các thành phần kinh tế chuyển đổi theo đề án này.
Cụ thể, Nhà nước định hướng cho doanh nghiệp chuyển đổi từ sản xuất chuỗi giá trị thấp sang chuỗi giá trị cao, muốn như vậy sẽ phải có chính sách ưu đãi và định hướng nếu doanh nghiệp, đối tượng làm theo hướng đó sẽ có lợi ích nhất định. Như vậy, việc này sẽ cần nguồn lực như những chính sách miễn giảm, ưu đãi; có những công nghệ hỗ trợ.
Từ những tiêu chí trên, Chính phủ và các Bộ sẽ có cơ sở tính toán các nguồn lực tái cơ cấu.
Theo Bộ trưởng đề án tái cơ cấu đã công bố mới là đề án tổng thể, sau đó sẽ có những đề án thành phần. Hiện Chính phủ đã xây dựng một số đề án thành phần là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu thị trường tài chính (hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán).
"Những đề án này thành phần này có thể tính được rõ nguồn lực cần thiết. Tuy nhiên, đến nay trong các đề án trên hiện cũng chưa có đề án nào tính toán được cụ thể chi phí là bao nhiêu mà chỉ có thể tính được các mảng nhỏ, như ở mảng ngân hàng, để giải quyết nợ xấu cần 100.000 tỷ đồng", Bộ trưởng Vinh nói.
Theo Bộ trưởng, sắp tới, khi làm việc với các Bộ thì có thể tính được tổng nhu cầu tái cơ cấu kinh tế là bao nhiêu. Song, không thể tính toán được chi tiết chi phí tái cơ cấu bởi không thể biết cụ thể doanh nghiệp tái cơ cấu như thế nào, chuyển đổi ra sao để tính toán cần bao nhiêu… mà chỉ có thể khái quát.
Trong quá trình tái cơ cấu sẽ có 1 bộ phận nhất định phải chuyển đổi, thu hẹp, dẫn tới một số lao động mất việc. Do vậy, đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế cũng đã tính đến việc hỗ trợ chuyển đổi nghề hay quỹ hỗ trợ thất nghiệp.
Nguồn Lược ghi từ Quốc hội