Đức Tài Thứ Tư | 01/03/2017 12:30

Bỏ tiền tỉ mở trường làng: Hoàn vốn nhanh bất ngờ

“Phụ huynh muốn con cái có một môi trường được chăm sóc tốt hơn, thay vì chỉ là nơi giữ trẻ".

Sáng đầu tuần, nhiều người đến giao dịch tại bưu điện huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai khá bất ngờ khi mỗi vị trí làm việc của các nhân việc tại đây đều có một “nhân viên tập sự” 5 tuổi ngồi kế bên để… học việc. Có lẽ không xa lạ với người dân thành thị nhưng đối với bà con nông thôn, cách học theo chủ đề thú vị này của Trường mầm non Tổ Ong Vàng lại làm không ít người tò mò. Một trường mẫu giáo mở tại tuyến huyện, lại có mức học phí mỗi năm gần gấp đôi học phí đại học nhưng hầu như lại không đủ đáp ứng nhu cầu của phụ huynh.

Tại các địa phương, một số gia đình có thu nhập cao vẫn có nhu cầu đầu tư cho con cái ngay từ lứa tuổi mầm non nhưng nhu cầu này vẫn chưa được đáp ứng một cách đồng đều. “Cho con nhỏ đi xa học là chuyện không thể, nhưng tại khu vực Vĩnh Châu, để có một trường tiểu học quốc tế như TP.HCM thì tôi nghĩ sẽ không có ai làm”, ông Trương Quang Nhật, một doanh nghiệp lớn nuôi tôm tại thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng, cho biết.

Hầu hết các trường tại một số tỉnh thành chỉ đáp ứng được một vài tiêu chuẩn cơ bản của hệ đào tạo mầm non, thậm chí một số trường được xem là cao cấp cũng chỉ có thêm chương trình học tiếng Anh do giáo viên nước ngoài đảm nhiệm, lớp học có cơ sở vật chất tốt hơn. Nhưng chưa có những trường đạt tiêu chuẩn như các trường quốc tế tại TP.HCM có thêm các phòng học năng khiếu, hồ bơi, khu vui chơi cao cấp, chương trình học mở rộng.

Thành lập tuyến điểm thứ 2 tại tỉnh Đồng Tháp sau Định Quán, Tổ Ong Vàng cũng hoạt động gần 100% công suất với hơn 500 trẻ. Dự đoán được nhu cầu cũng như đánh giá được cơ hội đầu tư, hệ thống này sẽ mở rộng tuyến điểm thứ 2 tại thị xã Sa Đéc. Mục tiêu từ nay đến năm 2020, Tổ Ong Vàng sẽ phát triển ra 10 chi nhánh tại các tỉnh, thành khu vực miền Tây Nam bộ. Riêng tại Đồng Nai, Tổ Ong Vàng đã có thế hệ “Lớp Nhô” đầu tiên (dành cho thế hệ đào tạo đầu tiên của trường vừa bước sang chương trình tiểu học).

Có lẽ không mới so với một số mô hình đào tạo tại TP.HCM, nhưng trong khi các em học sinh tại các tỉnh lị nhỏ không hoặc chưa từng được tiếp cận với giáo dục cao cấp thì những nhà đầu tư có vốn lớn sẽ nhanh chóng chiếm được những thị trường này. “Chúng tôi nhận ra được rằng, phụ huynh đang có xu hướng đầu tư cho con cái của họ thay vì chỉ là một nơi giữ trẻ; tùy theo khả năng, họ đều mong muốn con của mình được học tại những nơi mà theo họ là tốt nhất”, bà Trịnh Tường Vân, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Giáo dục Thế Giới Kỹ Thuật, cho biết.

Bo tien ti mo truong lang: Hoan von nhanh bat ngo
Bà Trịnh Tường Vân, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Giáo dục Thế Giới Kỹ Thuật

Theo đó, với 2 tuyến điểm Tổ Ong Vàng đầu tiên, công ty này cũng đã đầu tư với số vốn hơn 120 tỉ đồng. Câu chuyện đầu tư hàng triệu đô vào những ngôi trường mầm non cũng được xem là một trong những bài toán đầu tư dài hạn đã được cân nhắc. Hệ thống trường Mầm Non Quốc tế iSchool Trà Vinh cũng mới ra mắt với tổng mức đầu tư trên gần 30 tỉ đồng, khai thác phương pháp giảng dạy thông minh sớm đạt tiêu chuẩn cao. Trước đó, chi nhánh của hệ thống này cũng đã có mặt tại Bạc Liêu và Rạch Giá.

Chia sẻ với NCĐT, mặc dù không đưa ra con số cụ thể, nhưng bà Vân cho rằng, thu được lợi nhuận trong đầu tư giáo dục không thể “vội”; đây cũng là điều mà giữa các cổ đông trong công ty cũng nhất trí, sự vận hành của mô hình này tiết giảm được một số chi phí bởi nhận được sự hỗ trợ của các công ty thành viên khác ở mảng chiến lược, thiết kế, xây dựng, cung ứng vật chất...

Theo tính toán của các chuyên gia, với quy mô trường mầm non tư thục nhỏ dưới 20 học sinh, chi phí đầu tư ban đầu chỉ khoảng 200 triệu đồng. Nếu tính đơn cử thu mỗi học sinh 1,5 triệu đồng/tháng, trừ các chi phí ăn uống sinh hoạt của các cháu và trả lương giáo viên khoảng 2,5-4 triệu đồng/tháng đối với giáo viên tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non thì sau 1 năm sẽ thu hồi được vốn. Sang năm thứ 2 sẽ bắt đầu có lãi và có thể dùng khoản lợi nhuận này để tiếp tục tái đầu tư vào cơ sở vật chất nhằm mở rộng quy mô.

Ở một quy mô lớn hơn sẽ cần phải đầu tư khác. Lúc này chi phí mặt bằng, chi phí xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị lớn sẽ phải đầu tư nhiều. Đặc biệt là nhu cầu của các bậc cha mẹ ngày càng cao, đòi hỏi số lượng và chất lượng giáo viên, bộ phận y tế, đầu bếp... Theo đó, trường mầm non được đầu tư bài bản phải có hơn 100 học sinh thì trường mới có lãi. Số tiền đầu tư ban đầu có thể từ 2-5 tỉ đồng. Thời gian thu hồi vốn có thể lên đến 2 năm nhưng lợi nhuận sau đó cũng lên tới vài tỉ đồng/năm.

Bo tien ti mo truong lang: Hoan von nhanh bat ngo

Do đó, chi hàng triệu USD cho cuộc chơi này tại các tỉnh thành có mặt bằng thu nhập thấp còn đòi hỏi mức độ “liều” của nhà đầu tư. Đặt ra giả thuyết, 1 học sinh hiện đóng 27 triệu đồng, mỗi năm doanh thu từ nguồn học phí cơ bản (chưa tính các lớp năng khiếu khác trường mở thêm cho học sinh có nhu cầu), Tổ Ong Vàng sẽ thu về gần 14 tỉ đồng. Tuy nhiên, sẽ khó có thể đề cao lợi nhuận lên hàng đầu bởi quan trọng hơn hết là cần có sự hài hòa giữa chất lượng đào tạo và có sự hợp lý về mức học phí. Doanh thu của trường còn được tạo ra từ các lớp năng khiếu mở rộng, trung tâm ngoại ngữ tại điểm trường cho các em tại khu vực.

Bên cạnh đó, tại Việt Nam, dù đã có nhiều hệ thống trường quốc tế cao cấp nhưng vẫn rất ít doanh nghiệp đầu tư lớn cho những dự án mầm non trước nhiều rủi ro tiềm ẩn. Theo một số nhà đầu tư, cạnh tranh trong lĩnh vực này kéo theo những rủi ro trong việc đáp ứng chính sách, quy định của nhà nước, như quy định về số lượng giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất, dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn giáo viên… Ngoài ra, còn có những rủi ro khác khiến nhà đầu tư thua lỗ là chọn sai địa điểm, cơ sở vật chất thiếu thốn, độ chêch lệch lứa tuổi giữa các bé khác nhau dẫn đến việc thu hút trẻ cũng như nhân sự chăm sóc thiếu đồng đều.

Theo bà Vân, hiện nay, Nhà nước cũng đã cởi mở hơn trong việc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư trường học. Bên cạnh đó, hệ thống trường tư thục cũng không bị ràng buộc về hộ khẩu cư trú của học sinh nên cũng dễ dàng đáp ứng được chỉ tiêu tuyển sinh. Vì vậy, mô hình trường mầm non tư thục nở rộ tại các thành phố lớn. Chẳng hạn, riêng ở TP.HCM, tỉ lệ khối mầm non tư thục lại chiếm trên 54%. Mặc dù thị trường đang có nhu cầu cao về hệ thống trường mầm non cao cấp nhưng khi về những địa phương như Cao Lãnh, Bến Tre, Sa Đéc... vẫn  chưa có nhà đầu tư lớn nào và đây chính là ưu thế để chiếm lĩnh thị trường cho những nhà đầu tư “chấp nhận rủi ro”.

Theo bà Lê Thị Mỹ Trà, chuyên gia giáo dục, các trường mầm non tư thục đẩy mạnh phát triển tại địa phương có chương trình giáo dục chuyên biệt, trẻ em được tiếp cận ngoại ngữ sớm, trẻ được vừa học vừa chơi và có thêm cơ hội phát triển năng khiếu, nhận thức bản thân, dạn dĩ hơn… Việc kết hợp môi trường giáo dục tư thục cao cấp tại địa phương sẽ phần nào góp thêm việc giảm thiểu sự quá tải tại các trường công lập, có thể nhường những suất cho các trẻ thuộc gia đình bình dân, thu nhập thấp. Đặc biệt là hưởng ứng được chính sách giúp đỡ cho con em của công nhân tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, việc phát triển cũng cần có kế hoạch cụ thể dựa trên mật độ và nhu cầu thực tế. Nếu quá nhiều cũng là một rủi ro không đáp ứng được đủ chỉ tiêu mở lớp của trường.

Đức Tài