Thứ Hai | 23/09/2013 07:23

Bộ Tài chính tính tái cơ cấu nợ thuế

Có khả năng hồi phục và cam kết trả nợ gốc sẽ được xem xét khoanh, giãn nợ thuế.
Đó là giải pháp “tái cơ cấu nợ thuế” đang được Bộ Tài chính xem xét trong bối cảnh nợ thuế tăng cao đột biến, doanh nghiệp khắp nơi khó khăn.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết đến hết quý 2 năm nay, tình hình nợ đọng thuế diễn biến vô cùng phức tạp, nhiều doanh nghiệp (DN) lâm cảnh đặc biệt khó khăn, kinh doanh thua lỗ, không có tiền nộp thuế. Qua thanh, kiểm tra hơn 25.000 DN, ngành thuế thu hồi được 32,4% số nợ thuế tại thời điểm cuối năm 2012, nhưng phát hiện số tăng thêm 4.448 tỉ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng số nợ của toàn ngành thuế lên đến gần 65.000 tỉ đồng, trong đó có tới 13,2% nợ khó thu.

"Tình hình vô cùng nghiêm trọng"

Đối với các doanh nghiệp còn khả năng nhưng chây ì không nộp thì chúng tôi quyết truy thu, cưỡng chế. Còn các doanh nghiệp vì khó khăn tạm thời, vòng quay vốn chậm, có thể xem xét để giãn, khoanh lại phần chậm nộp, phần bị phạt.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trong một báo cáo cuối tuần qua cho biết, từ đầu năm đến nay tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế lớn, tăng cao đột biến, dẫn tới khả năng thu ngân sách không đạt dự toán, đặc biệt ở một số địa phương trọng điểm thu như Hà Nội và TP.HCM.

Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, riêng ngành thép theo kế hoạch năm nay công suất 11 triệu tấn, nhưng các DN chỉ hoạt động cầm chừng với công suất 7 triệu tấn. Nhiều nơi đang phải "treo" dây chuyền, hoạt động thua lỗ, nợ đọng thuế. "Ngay cả công ty lớn, mọi năm hoạt động hiệu quả như Pomina 6 tháng đầu năm nay cũng báo cáo thua lỗ gần 200 tỉ đồng. Tình hình đang vô cùng nghiêm trọng, mọi thành viên của hiệp hội đều hết sức bi đát", ông Cường chia sẻ.

Về phía cơ quan quản lý, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phải thừa nhận, năm nay thu ngân sách vô cùng khó khăn, đặc biệt tình trạng trốn thuế, nợ thuế tăng lên. Chính vì vậy, Bộ đang phải "đau đầu" tìm ra các giải pháp đột phá mạnh mẽ để tháo gỡ, giúp DN vượt qua giai đoạn đầy thách thức này.

Trước mắt thu gốc, tiền phạt thu sau

Theo Bộ trưởng Dũng, ngay từ giữa năm, Bộ Tài chính đã phải phối hợp với các địa phương thanh, kiểm tra các DN, đặc biệt các DN khu vực Tây nguyên, Lâm Đồng, An Giang về việc sử dụng thuế giá trị gia tăng (GTGT). Qua đó, phát hiện nhiều DN trốn thuế, tự xóa tên đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế, hiện Bộ đang chỉ đạo Tổng cục Thuế nghiên cứu phương án "tái cơ cấu" nợ thuế, theo hướng khoanh lại một phần tiền nợ thuế cho những đối tượng nhất định.

"Bộ đang chỉ đạo cơ quan thuế xem xét, rà soát những khoản nợ đọng thuế lâu nay đang phạt tiền nặng, chậm nộp trước theo hướng trước mắt thu gốc, còn khoản tiền phạt thu sau. Thời gian tới tổng hợp báo cáo Chính phủ, nếu vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì xin ý kiến trình Quốc hội thông qua", ông Dũng cho biết.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cũng khẳng định, hiện tại cơ quan thuế đã bắt tay vào làm và đang tính toán, nghiên cứu phương án xóa các khoản nợ đọng thuế quá lâu không còn khả năng thu hồi. Đối với các khoản phạt thuế do chậm nộp thì xem xét khoanh lại. Đối với nợ phát sinh sau ngày 1.7.2013 áp dụng tính 0,05% mỗi ngày trên số tiền thuế chậm nộp kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đến ngày thứ 90. Từ ngày 91 trở đi, sẽ áp dụng mức 0,07% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.

Tuy nhiên, DN phải đáp ứng đủ điều kiện như cam kết trả nợ gốc, đồng thời cơ quan thuế rà soát thận trọng từng đối tượng, đơn vị có khả năng trả mới khoanh. "Phương án này chúng tôi đang tính toán để sớm đề xuất lên Chính phủ xin ý kiến trong thời gian tới, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và nền kinh tế", ông Nam nói.

Đây có thể xem là một bước đi đột phá của ngành thuế trong suốt các năm qua, vì giãn, khoanh thuế có tác động không nhỏ đến nguồn thu của ngân sách. Nhưng ông Nam cho rằng, với ngành thuế hiện nay, nếu không chia sẻ với DN, không nuôi dưỡng nguồn thu mà ra sức truy thu, truy đòi chắc chắn sẽ khiến DN kiệt quệ, về lâu dài không còn khả năng nộp thuế. "Đối với các DN còn khả năng nhưng chây ì không nộp thì chúng tôi quyết truy thu, cưỡng chế. Còn các DN vì khó khăn tạm thời, vòng quay vốn chậm, có thể xem xét để giãn, khoanh lại phần chậm nộp, phần bị phạt", ông Nam khẳng định.

Cần nhanh chóng
Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường cho rằng, các DN suốt thời gian qua mong mỏi một chính sách đột phá và chia sẻ của nhà nước. Lần này cơ cấu lại thuế, cho khoanh, giãn chắc chắn sẽ tháo gỡ được áp lực, bế tắc về tài chính. Tuy nhiên, ông Cường cũng đề xuất, giải pháp nào cũng cần có sự vào cuộc nhanh chóng. Bộ Tài chính cần sớm hoàn thiện đề án để đề xuất Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, TS Cao Sĩ Kiêm cũng phân tích, không ít các DN hiện nay rơi vào khó khăn tạm thời, nhưng tiền nộp phạt thuế, lãi suất phạt tăng cao hơn cả nợ thuế gốc ban đầu. Do vậy cần sớm trình đề xuất này lên Chính phủ ngay trong kỳ họp tháng 9, để Chính phủ thảo luận đưa ra Quốc hội tại kỳ họp tới thông qua.

Xóa nợ không còn khả năng thu hồi
Bên cạnh giải pháp chuẩn bị đề xuất khoanh tiền phạt thuế, Bộ Tài chính cũng đã xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 1/7/2007. Theo đó, đối tượng được xem xét bao gồm hộ gia đình, cá nhân còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước thời điểm này gặp khó khăn, không thanh toán được số tiền thuế nợ, đã ngừng kinh doanh. Đối với DN nhà nước là các đơn vị đã có quyết định giải thể của cơ quan có thẩm quyền còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1/7/2007.Với những quy định trên, số trường hợp được xóa nợ sẽ bao gồm hơn 500.000 hộ gia đình, cá nhân còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1/7/2007 gặp khó khăn, không thanh toán được số tiền thuế nợ, đã ngừng kinh doanh và gần 1.400 DN nhà nước đã giải thể, cổ phần hóa, chuyển đổi sở hữu còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước thời điểm này.

Nguồn Thanh niên


Sự kiện