Thứ Ba | 23/10/2012 20:38

Bộ Tài chính được trao thêm quyền quyết định giá điện

Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng khung giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá trình Thủ tướng quyết định.
Chiều nay (23/10), Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực.

Tại kỳ họp thứ 3, dự án Luật điện lực đã được trình để nghe ý kiến thảo luận của Quốc hội lần đầu, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chuẩn bị giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật.

Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng căn cứ khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng quy định phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện phải được thực hiện công khai, minh bạch các yếu tố cấu thành liên quan đến việc điều chỉnh giá. Nhà nước sử dụng các biện pháp để bình ổn giá bán điện phù hợp với quy định của pháp luật về giá.

Khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện, phí điều hành giao dịch thị trường điện lực do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng. Cơ quan điều tiết điện lực thẩm định trình Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt theo sự phân công của Chính phủ, phù hợp với quy định của pháp luật về giá, phí.

Theo đại biểu Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị), việc đặt ra quy định giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực sẽ là một trong những nhân tố không những khuyến khích phát triển thị trường cung ứng điện mà còn là yếu tố thúc đẩy gắn doanh nghiệp hướng tới đầu tư kinh doanh hiệu quả hơn.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra là cần phải cụ thể hóa nguyên tắc, cấu trúc vận hành cơ chế giá bán điện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của nhà nước. Nhà nước sẽ điều tiết những hoạt động, khía cạnh nào của thị trường điện, cần phải quy định ngay những nguyên tắc đối với điều chỉnh giá bán lẻ điện trong dự thảo luật để từ đó có thể minh bạch được giá điện và có sự điều tiết của nhà nước nhưng vẫn đảm bảo giá bán lẻ điện được vận hành theo cơ chế thị trường.

Đại biểu Phạm Văn Cường (Lào Cai) phát biểu, về khung giá điện, khung giá bán điện, giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ điện, hệ thống phí điều hành, vận hành hệ thống điện, phí điều hành giao dịch thị trường, hôm trước dự thảo chỉ có mỗi Bộ Công thương, đến nay đã thống nhất đưa thêm Bộ Tài chính vào.

Ông Cường đánh giá, việc xây dựng các khung giá điện này là quan trọng nhất vì điện lực, thứ nhất là Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), thứ hai là các nhà đầu tư vào đây liên quan đến toàn bộ nguồn vốn nhà nước, vốn vay hoặc vốn đầu tư. Do vậy, đại biểu này đề nghị giá này là Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng phê duyệt, chứ không phải ghi như dự thảo là Bộ Công thương và Bộ Tài chính theo phân công của Chính phủ ký vào giá và trình công khai.

Về bù chéo giá điện, đa số ý kiến đề nghị bỏ quy định bù chéo giá điện sản xuất, giá điện sinh hoạt và bù giá giữa các nhóm khách hàng. Đề nghị bù giá cho các đối tượng người nghèo, người có thu nhập thấp theo tiêu chí rõ ràng.

Một số ý kiến cho rằng, cần tính đúng giá than bán cho sản xuất điện; giá điện bán cho ngành sản xuất sắt, thép, xi măng. Ủy ban TVQH nhận thấy, giá điện có tác động đến toàn bộ nền kinh tế, từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đến đời sống dân cư. Do đó, việc điều chỉnh giá điện đều phải cân nhắc thận trọng, xem xét tất cả các yếu tố chi phí đầu vào của sản xuất điện để có mức điều chỉnh giá điện hợp lý, phù hợp với mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô.

Hiện tại, giá than bán cho sản xuất điện đang thấp hơn giá thành. Nếu điều chỉnh ngay giá than bán cho sản xuất điện theo giá thị trường sẽ làm cho giá điện tăng cao đột biến, từ đó sẽ tác động xấu đến sản xuất và đời sống xã hội, đặc biệt trong giai đoạn tình hình kinh tế gặp khó khăn. Việc điều chỉnh giá nhiên liệu bán cho sản xuất điện, bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh của từng ngành và có lợi nhuận hợp lý cần phải có lộ trình và bước đi phù hợp.

Vì vậy, không nên quy định trong Luật về vấn đề này mà để Chính phủ quy định sẽ phù hợp và uyển chuyển hơn. Giá bán lẻ điện cho ngành sản xuất sắt, thép, xi măng cũng sẽ được điều chỉnh hợp lý và hướng tới cơ chế thị trường.

Về căn cứ lập và điều chỉnh giá điện, có ý kiến đề nghị làm rõ ”báo cáo tài chính đã được kiểm toán” sử dụng làm căn cứ lập và điều chỉnh giá điện là do đơn vị kiểm toán độc lập hay kiểm toán Nhà nước thực hiện.

Ủy ban TVQH nhận thấy, theo pháp luật hiện hành, nguyên tắc cơ bản hoạt động kiểm toán là trung thực, độc lập, khách quan. Tùy theo yêu cầu cụ thể và tình hình thực tế, có thể áp dụng thực hiện hài hòa cả hai loại hình kiểm toán Nhà nước và kiểm toán độc lập.

Nguồn Khampha


Sự kiện