Bộ Tài chính bất ngờ muốn trao thêm quyền cho UBCK
Cái lý của Bộ Tài chính
Khi góp ý cho dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi, trong công văn gửi Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao mới đây, Bộ Tài chính đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thẩm quyền khởi tố, điều tra ban đầu cho UBCK đối với 3 tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự gồm: tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán (Điều 181a), tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 181b) và tội thao túng giá chứng khoán (Điều 181c).
Bộ Tài chính đưa ra đề xuất trên được coi là khá bất ngờ, mặc dù ý tưởng trao thẩm quyền điều tra cho UBCK là không mới, bởi cách đây 3 năm, khi Quốc hội thảo luận hướng sửa đổi và thông qua Luật Chứng khoán năm 2010, một số chuyên gia, đại biểu Quốc hội kiến nghị, cần trao thẩm quyền điều tra cho UBCK theo thông lệ quốc tế. Vì nhiều lý do nên vấn đề này chưa được cụ thể hóa trong Luật. Nay quy định thẩm quyền điều tra cho UBCK trong Bộ luật Tố tụng hình sự đang trong quá trình sửa đổi được coi là hợp lý xét trên nhiều khía cạnh.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính, cùng với việc lần đầu tiên 3 tội danh trên được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành, nay bổ sung thẩm quyền điều tra cho cơ quan chuyên ngành quản lý TTCK đối với 3 tội danh này là hợp lý và cần thiết, nhằm nâng cao tính hiệu quả, răn đe trong đấu tranh với các hành vi vi phạm nghiêm trọng trên TTCK.
Xét trên khía cạnh kinh nghiệm và yêu cầu từ thực tiễn tại Việt Nam cũng như thế giới, việc trao thẩm quyền khởi tố, điều tra cho UBCK là phù hợp. Cụ thể, đặc thù quản lý, giám sát TTCK đang đòi hỏi việc xử lý nhanh, chính xác và đảm bảo tính răn đe đối với các hành vi vi phạm, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lan truyền trên thị trường, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.
Mặt khác, từ kinh nghiệm của một đơn vị cấp tổng cục khác thuộc Bộ Tài chính là Tổng cục Hải quan, đã được trao thẩm quyền khởi tố, điều tra và phát huy hiệu quả trong đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực hải quan, thì việc cân nhắc trao thẩm quyền khởi tố, điều tra cho UBCK là có căn cứ thực tiễn.
Trên thế giới, mô hình cơ quan quản lý TTCK có thẩm quyền khởi tố, điều tra rất phổ biến là để đáp ứng đòi hỏi đặc thù trong đấu tranh với các loại tội phạm trên thị trường. Với tư cách là cơ quan quản lý, giám sát thị trường, cơ quan quản lý TTCK có cơ sở dữ liệu thường xuyên được cập nhật về các chủ thể tham gia thị trường, nên có nhiều yếu tố thuận lợi để quá trình khởi tố, điều tra diễn ra nhanh và chính xác, trên cơ sở đó sớm có biện pháp xử lý.
Đừng trao quyền nửa vời
Theo thông lệ quốc tế, cơ quan quản lý TTCK có thẩm quyền khởi tố, điều tra chỉ có thể phát huy tối đa quyền năng này khi có địa vị pháp lý độc lập cao. Tuy nhiên, điều này tại Việt Nam lại chưa đáp ứng, khi UBCK trực thuộc Bộ Tài chính. Không chỉ với thẩm quyền khởi tố, điều tra, mà ngay cả ở cấp độ triển khai các chính sách quản lý, điều hành thị trường trong những tình huống đòi hỏi phải phản ứng chính sách theo giờ, theo ngày tại UBCK, cũng đã bộc lộ không ít bất cập.
Bởi vậy, một số ý kiến từ các thành viên thị trường cho rằng, để thẩm quyền khởi tố, điều tra khi được trao cho UBCK thực sự phát huy hiệu quả cao trong đấu tranh với các hành vi vi phạm nghiêm trọng trên TTCK, trong bối cảnh UBCK chưa tách khỏi Bộ Tài chính, cần phân cấp mạnh hơn cho UBCK, tránh trao quyền nửa vời.
Trong đó, Bộ Tài chính cần phân định rõ thẩm quyền của UBCK trong khởi tố, điều tra các hành vi vi phạm trên TTCK như: khi ra quyết định khởi tố, điều tra, UBCK có phải báo cáo và được sự chấp thuận của Bộ Tài chính hay không, hay UBCK có quyền tự chủ và chịu trách nhiệm về quyết định khởi tố, điều tra của mình. Khi được trao thẩm quyền điều tra ban đầu với 3 tội danh trên, việc phối hợp giữa UBCK với cơ quan điều tra trong xử lý 3 tội danh này cũng như với các tội danh khác cũng cần được quy định rõ.
Nguồn Đầu tư Chứng khoán