Bộ Tài chính ban hành chỉ thị để bình ổn giá dịp Tết Nguyên Đán
Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Giám đốc Sở tài chính các tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, rà soát cân đối cung-cầu đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trên địa bàn như lương thực, thực phẩm, đường, thuốc phòng và chữa bệnh cho người, xăng dầu, gas, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ đi lại, y tế…
Đối với các địa phương có triển khai Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá, Bộ trưởng yêu cầu tăng cường giám sát và tổ chức thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và thường xuyên kiểm tra, giám sát doanh nghiệp bán hàng hóa với giá cả và chất lượng theo đúng cam kết.
Mặt khác, có biện pháp nhằm tăng cường đưa hàng bình ổn giá đến khu vực ngoại thành, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, khu tập trung đông dân cư; kết hợp với tổ chức bán hàng lưu động, các hình thức khuyến mãi để kích thích tiêu dùng, tăng sức mua...
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu Sở Tài Chính phối hợp với các Sở ban ngành để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá, kiểm soát giá như: giá dịch vụ khám chữa bệnh; giá dịch vụ giáo dục (học phí); giá nước sạch sinh hoạt; giá cước xe buýt được nhà nước trợ giá.
Hiện nay, cả nước có 36 tỉnh, thành thực hiện chương trình bình ổn giá với khoảng 6.400 điểm bán hàn, tổng số vốn vay ước khoảng 1.650 tỷ đồng. Hai địa phương triển khai mạnh nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được sự đánh giá tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Giá bán các mặt hàng bình ổn tại hệ thống phân phối của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá luôn đảm bảo thấp hơn giá các sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 5-10%, đã tạo định hướng rất tốt cho thị trường cả nước, góp phần hạn chế mức tăng giá chung, nhất là trong dịp lễ tết.
Nguồn Vietnam+