Quý Hòa
Bỏ ngàn tỉ mua Vato, Phương Trang tính gì?
Facecar-Vivu-Vato: Những thương vụ "khủng"
Đầu tháng 4, doanh nghiệp vận tải Phương Trang đã công bố đầu tư vào ứng dụng gọi xe hoạt động theo mô hình chia sẻ Vivu và đổi tên thành Vato. Phương Trang sẽ dùng Vato để lấp vào khoảng trống Uber để lại, hay phục vụ cho mục tiêu khác?
Được biết, tiền thân của Vivu là FaceCar, hoạt động từ tháng 3.2016, sau này được đầu tư bởi ông Vũ Khắc Tiệp và đổi tên thành Vivu. Tuy nhiên, sau cả 2 lần đổi tên, hoạt động của Vivu không có gì nổi bật.
Về với Phương Trang, ông Trần Thành Nam, nhà sáng lập Vivu, nói đầy ẩn ý rằng việc Uber rút khỏi Việt Nam là cơ hội cho các ứng dụng trong nước phát triển. Ông Nam cũng xác nhận doanh nghiệp vận tải xe khách Phương Trang đã đầu tư 100 triệu USD (khoảng 2.200 tỉ đồng) vào Vivu. Cũng cần nhớ lại rằng ứng dụng gọi xe của ông Nam khá rùm beng với các khoản đầu tư “khủng” và khó tin.
Đại diện của Phương Trang xác nhận việc quyết định mua Vivu và đổi tên thành Vato để tạo một hệ sinh thái thương mại điện tử. Theo đó, Vato không chỉ là một ứng dụng gọi xe thông thường, mà được tạo ra một phần mềm thương mại điện tử với nhiều tính năng khác, hoạt động như một sàn giao dịch thương mại điện tử về vận tải, dịch vụ, hàng hóa.
Có thể thấy, có 2 kịch bản Vato đang hướng tới. Kịch bản thứ nhất và cũng được dự đoán rầm rộ nhất trong thời gian qua là Vato sẽ thế chỗ Uber sau khi đã được Grab sáp nhập.
Theo thống kê tính đến tháng 9.2017 của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, có khoảng 24.000 xe taxi Grab và Uber đang hoạt động ở khu vực này. Còn theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, số xe Uber và Grab trên cả nước vào khoảng 50.000 xe.
Như vậy, khi thâu tóm Uber, Grab được cho là có số lượng xe hoạt động lớn nhất Việt Nam, cao ít nhất gấp 2 lần tổng lượng xe của Mai Linh và Vinasun thời hưng thịnh cộng lại.
Nhưng để đạt được con số trên, Grab đã chi rất nhiều chi phí cho tiếp thị nhất là trợ giá. Theo Hiệp hội Taxi Hà Nội năm 2016, Grab báo lỗ hơn 443 tỉ đồng, lưu ý rằng đây là mức báo lỗ khi Grab đã vào Việt Nam được 4 năm, con số những năm đầu còn lớn hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, Grab cũng đã lộ rõ mục tiêu cuối cùng là làm thanh toán trực tuyến và cụ thể hơn là cung cấp các khoản vay tiêu dùng bằng việc ra mắt dịch vụ Grab Financial ở Đông Nam Á giữa tháng 3 vừa qua.
Thông qua dịch vụ gọi xe, giao hàng, thanh toán trực tuyến và nhiều dịch vụ khác được tích hợp sẵn trong hệ sinh thái của mình, Grab sẽ có được dữ liệu người sử dụng. Bằng cách phân tích hành vi và dữ liệu giao dịch từ việc vận chuyển, vị trí đại lý và lịch sử thanh toán, Grab có thể tính toán được mức độ tin cậy của từng khách hàng, làm tiền đề cho việc cho vay.
Mục tiêu của Phương Trang
Đây mới là nguồn thu bền vững của Grab và là lý do các nhà đầu tư định giá công ty này lên đến 6 tỉ USD. Hiện Grab đã hợp tác với Credit Saison (Nhật) và Công ty bảo hiểm Chubb.
Như vậy, để có được chỗ đứng, Vato phải tốn một khoản chi phí không nhỏ cho trợ giá và tiếp thị. Còn để có lãi, Vato phải tính đến việc phát triển các dịch vụ khác như thanh toán trực tuyến chẳng hạn. Đây không phải là thế mạnh của Phương Trang nên con đường của Vato theo hướng này còn rất dài.
Kịch bản thứ 2 là Phương Trang sẽ dùng Vato để gia nhập vào thị trường dịch vụ giao hàng tức thời (last - mile delivery). Trong nhóm này, Vato sẽ là đối thủ trực tiếp với Ahamove, Lala (Việt Nam) và các đối thủ có thể tham gia thị trường Việt Nam như Grab Express (Malaysia), Lala Move (Hồng Kông), Now (Singapore)...
Thực ra, dịch vụ giao hàng không quá xa lạ với một đơn vị thuộc nhóm đầu thị trường xe liên tỉnh như Phương Trang. Một số nguồn tin nói với NCĐT rằng Phương Trang đang bán ra 25.000-30.000 vé/ngày. Với mức vé bình quân hơn 220.000 đồng, doanh thu một năm của Phương Trang khoảng 2.200 tỉ đồng.
Nhưng đó là mô hình truyền thống, khi khách gửi hàng đến nhà xe của Phương Trang và họ vận chuyển món hàng đến trạm tiếp theo của Công ty ở các tỉnh, vốn là một lộ trình ít thay đổi.
Với mô hình giao hàng tức thời, các điểm nhận và trả hàng là lộ trình thay đổi liên tục. Chức năng đầu tiên của các ứng dụng chia sẻ xe là giải quyết bài toàn này. Đây có thể là điều Phương Trang tìm kiếm ở Vivu.
Theo ông Nguyễn Trần Thi, Giám đốc Điều hành Giao Hàng Nhanh, việc gia nhập thị trường của Vato là dấu hiệu tốt. Như chi phí dịch vụ hậu cần chung trước đây khoảng 30% GDP, với sự tham gia của nhiều bên trong thời gian qua đã kéo xuống còn 20-22%. “Điều tương tự sẽ xảy ra trong lĩnh vực giao hàng tức thời khi có nhiều bên tham gia”, ông Thi cho biết.
Chưa có thống kê chính thức về quy mô thị trường này, nhưng nếu Phương Trang dùng Vato tham gia vào thị trường hậu cần thương mại điện tử thì rõ ràng đây là thị trường rất sôi nổi trong thời gian qua.
Theo ông Charles Brewer, Giám đốc Điều hành DHL eCommerce, doanh thu hậu cần thương mại điện tử chiếm khoảng 10% tổng doanh thu thị trường thương mại điện tử. Theo Statista, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 dự báo vào khoảng 4 tỉ USD, thì quy mô mảng giao nhận khoảng 400 triệu USD.
Với lợi thế về thương hiệu, mạng lưới kết nối các tỉnh, kho bãi... Phương Trang có điểm thuận lợi là không phải xây dựng từ đầu. Vấn đề của đơn vị này phần lớn nằm ở việc thay đổi để đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng thương mại điện tử và chuẩn bị nhân sự cho dự án này. Áp lực đang dồn lên nhóm Vivu của ông Trần Thành Nam.
Có thể thấy rõ, khác với Vinasun hay Mai Linh, thay vì xây dựng ứng dụng riêng, Phương Trang chọn cách mua lại các đơn vị đã vận hành trên thị trường. Trên thực tế, nếu thương vụ này thành công sẽ khích lệ các doanh nghiệp truyền thống lựa chọn hình thức đầu tư hoặc sáp nhập với nhóm công nghệ trẻ. Đây là cách các doanh nghiệp trên thế giới lựa chọn để tiết kiệm thời gian và chi phí khi gia nhập vào các ngành có tốc độ phát triển nhanh.
Về phần mình, dù là kịch bản nào thì đường đi của Phương Trang cũng không bằng phẳng, nhất là trong bối cảnh Công ty liên quan đến các rắc rối về tài chính trong thời gian qua nên việc đầu tư đòi hỏi phải hiệu quả.