Bộ máy quan liêu đã nhấn chìm ngành cà phê Kenya như thế nào?
Cách đây gần 20 năm, sản lượng thu hoạch cà phê của Kenya từng đạt kỷ lục là 127 nghìn tấn trong mùa vụ năm 1987-1988. Tuy nhiên con số này đã sụt giảm 40% ngay trong năm sau, do các nhà sản xuất cà phê thế giới bãi bỏ chế độ quota và đẩy Kenya vào thế cạnh tranh mới vô cùng khắc nghiệt.
Từ đó trở đi, ngành cà phê Kenya liên tục đi xuống. Năm ngoái, sản lượng của Kenya chỉ đạt chưa tới 45.000 tấn, chiếm vỏn vẹn 0,5% sản lượng toàn cầu.
Lý do của sự đi xuống này chắc chắn không phải là vì kém chất lượng. Vốn được trồng trên vùng cao nguyên quanh núi Kenya, cà phê arabica của Kenya rất nổi tiếng trên thế giới. Không giống như cà phê robusta Việt Nam hay Brazil chỉ được dùng làm cà phê bột đóng gói, hạt cà phê Kenya được xem là sản phẩm cao cấp hàng đầu. Mức tiêu thụ nội địa ở Kenya còn khá ít, nhưng đang tăng trưởng đến 20%/năm khi các chuỗi cửa hàng cà phê xuất hiện ngày càng nhiều để phục vụ cho tầng lớp trung lưu mới nổi tại đây.
Tầng lớp trung lưu này cũng muốn có nhà ở cao cấp hơn, và điều này đã tạo ra cơn sốt đất đai. Bong bóng bất động sản tại Nairobi - thủ đô Kenya đang dần dà hình thành. Dọc theo con đường nối giữa Nairobi và thị trấn Thika ở phía Bắc thành phố là hàng loạt các đồn điền cà phê đã bị bán cho những nhà phát triển bất động sản. Chẳng ai buồn nhổ đi những bụi cỏ mọc lấn các cây cà phê cũ trên một đỉnh đồi gần Thika, nơi đã được quy hoạch để xây lên 500 căn nhà.
Với các nông dân nhỏ lẻ đang đóng góp 60% sản lượng cà phê của Kenya, họ không còn đủ tiền để tiếp tục trồng cây cà phê thêm nữa. Vài nông dân đã từ bỏ hoàn toàn nghề này mà thay vào đó là trồng rau hoặc các loại cây có giá trị xuất khẩu cao hơn như macadamia.
Trong khi đó, ngành sản xuất cà phê của nước láng giềng Uganda đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1990 lên 285 nghìn tấn. Trong năm gần nhất có đủ dữ liệu so sánh là 2010, người nông dân Kenya chỉ được hưởng 20% giá xuất khẩu cà phê, thấp hơn nhiều so với mức 80% mà nông dân Uganda nhận được. Như vậy rõ ràng là thất bại của Kenya nằm ở vấn đề chính sách.
Khả năng quản lý yếu kém là một phần nguyên nhân khiến ngành cà phê Kenya suy thoái. Liên hiệp hợp tác xã nông dân Kenya (KPCU), vốn từng nắm 70% công suất xay xát cà phê nước này cũng như cung cấp vốn và phân bón giá rẻ cho các nông dân, đã bị vỡ nợ vào năm 2009.
KPCU đã thoát khỏi tình trạng bị chủ nợ tiếp quản vào năm 2014, nhưng nhiều bí mật của tổ chức trong quá khứ đã bị phơi bày, khiến một số nông dân đe dọa sẽ không thu hoạch cà phê để phản đối. Các cáo buộc này bao gồm chuyện ẩu đả trong phòng họp về việc mua máy tính mới, hành vi trộm cắp máy móc thiết bị trong nhà máy của KPCU ở Nairobi. Ngoài ra, còn có một số báo cáo chưa được xác nhận cho thấy vài cựu giám đốc của KPCU đã ăn chặn các khoản vay và tiền bán cà phê của các thành viên trong gần hai thập kỷ liền.
Chính sách rườm rà tại Kenya đã tạo nên một bộ máy rất phức tạp, khiến các quan tham có cơ hội trục lợi. Chỉ có 10% hạt cà phê được KPCU thu mua trực tiếp từ người nông dân. Hầu hết các nông dân nhỏ lẻ đều là thành viên của một hợp tác xã nào đó, nơi giúp họ hoàn thiện các công đoạn trước khi chuyển vào cối xay để hoàn tất việc xử lý, phân loại. Các bao cà phê sau đó sẽ được đưa đến 8 cửa hàng đại lý được cấp phép, nơi sẽ bán lại cà phê cho 60 đối tác địa phương và quốc tế tại Trung tâm Giao dịch Cà phê Nairobi (Nairobi Coffee Exchange).
Buổi đấu giá của trung tâm giao dịch thường được tổ chức tại một tòa nhà bỏ hoang trong một khu vực cũ kỹ của Nairobi. Những ai muốn tham gia phiên đấu giá này phải đóng khoản phí đăng ký 1.500 USD, sau khi các đại lý từ chối bán hàng hồi năm 2012 nhằm phản đối những người mua hàng chỉ nhằm mục đích bán lại mẫu cà phê dùng thử miễn phí.
Những người bất mãn cho rằng hay có sự dàn xếp đấu giá và giữ cho giá thu mua thật thấp. Một nhà báo Kenya khẳng định từng chứng kiến các đại lý huýt sáo để ra hiệu cho những người khác giữ giá thấp.
Nhiều nhà máy, hãng tiếp thị và các đại lý thường là công ty chị em, có thể làm giảm áp lực cạnh tranh trong việc thu mua. Ngành công nghiệp cà phê tại Kenya vốn đã phức tạp nay lại càng rối rắm hơn, khi nhiều chính quyền địa phương quyết định thành lập các nhà máy và các hãng tiếp thị riêng. Việc can thiệp này khó có thể giải quyết các vấn đề của ngành công nghiệp cà phê Kenya.
Ngược lại, tại Uganda, ngành công nghiệp cà phê đã hoàn toàn được tự do hóa từ năm 1992. Không hề có các cuộc đấu giá, mà thay vào đó đại lý trung gian phải cạnh tranh mạnh mẽ để được mua cà phê trực tiếp từ nông dân và bán lại cho các nhà xuất khẩu. Nếu muốn thực hiện mục tiêu tăng sản lượng cà phê lên gấp đôi vào năm 2020, thì chính quyền Kenya cần phải sớm nhận ra sự thành công của nước láng giềng.
Trường Văn
Nguồn The Economist