Việt Nam không thể đối diện với áp lực trả nợ dồn dập bằng cách nào khác ngoài việc tinh giản biên chế. Ảnh: Quý Hòa

 
Hoàng Hạnh Thứ Hai | 21/05/2018 07:30

Bộ máy cồng kềnh mơ nền công vụ 4.0

Trong 4 tháng đầu năm, thu 3 đồng thì chi tới 2 đồng cho bộ máy có thể không phải là điều ảm đạm chúng ta tưởng tượng.

Vẫn có cách tinh giản biên chế, giảm chi thường xuyên và áp lực vay để bù bội chi ngân sách.

Gánh nặng từ bộ máy

Báo cáo về tình hình thu, chi ngân sách 4 tháng đầu năm 2018 do Bộ Tài chính vừa công bố cho thấy một sự thật kém vui. Trong cơ cấu tổng thu nội địa đạt 446.400 tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, số thu từ dầu thô đóng góp hơn 19.000 tỉ đồng, bằng 53,3% dự toán năm. Dù được trấn an rằng, mức đóng góp chỉ khoảng 4% vào tổng thu ngân sách, thấp hơn rất nhiều so với mức 15-20% của 5-7 năm trước đây nhưng không thể lờ đi kịch bản dầu thô sẽ là cứu tinh cho ngân sách, đặc biệt khi giá dầu tăng từ đầu năm và xu hướng này vẫn đang tiếp diễn.

Gót chân Asin trong thu hút FDI lại hé lộ. Hai điểm sáng Samsung và Formosa có mức tăng trưởng sản xuất tăng gấp nhiều lần cùng kỳ năm ngoái nhưng số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, chủ yếu từ các doanh nghiệp thuộc khối này lại giảm bớt. Lũy kế thu 4 tháng ước đạt 90.000 tỉ đồng, giảm khoảng 2,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Nếu thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng, món quà tặng đặt trên thảm đỏ chào đón doanh nghiệp FDI, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu còn 59.000 tỉ đồng, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Với cơ cấu thu ngân sách như vậy, gánh nặng vẫn dồn lên vai khối doanh nghiệp tư nhân trong nước, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việt Nam vẫn đi trên lối mòn dù đã được cảnh báo.

Điều này càng biểu hiện rõ hơn nếu nhìn thẳng vào số liệu chi ngân sách. Cùng kỳ 2 năm liên tiếp 2017-2018, chi thường xuyên chiếm xấp xỉ 2/3 tổng thu ngân sách. Đã vậy, khi phân bổ nguồn ngân sách chẳng thể gọi là dồi dào của Việt Nam, mỗi năm vẫn ghi nhận khoảng 5 tỉ USD (xấp xỉ 110.000 tỉ đồng, tương đương 2-3% GDP) chi sai hoặc sai mục đích. Khoản vay hàng trăm ngàn tỉ đồng để bù đắp bội chi ngân sách càng thêm phi lý trước sự hoang phí quá mức. Đương nhiên, thắc mắc tiền đi đâu chỉ có thể “bắc thang lên hỏi ông Trời”.

Trao đổi với NCĐT, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định, trong những năm tới, tình hình cân đối ngân sách của Việt Nam khó sáng sủa hơn khi số chi không giảm bớt còn nguồn thu sẽ ngày càng thu hẹp.

“Thứ nhất, ngay cả khi chưa thể đồng tình hoàn toàn với nhận định, năng suất lao động của một số ngành Việt Nam thua kém cả Campuchia, vẫn phải thừa nhận thực tế, năng suất và hiệu quả của nền kinh tế Việt Nam quá thấp. Các hệ thống khác phục vụ cho nền kinh tế phát triển như doanh nghiệp, tài chính, ngân hàng... đều chưa tương thích và hỗ trợ quá trình sản xuất, thu không bù chi dẫn đến việc không có thặng dư để đầu tư nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu.

Thứ 2, chỉ cần nhìn vào thực tế, có thể thấy, rừng tự nhiên bị tàn phá gần cạn kiệt, Tây Nguyên cạn khô do thủy điện, đồng bằng sông Cửu Long kẹp giữa 2 gọng kìm cạn nước từ thượng nguồn và nước mặn từ biển xâm lấn... Đó đều là những nguồn lực cho sự phát triển dài hạn. Như vậy, những thứ của để dành đã bị tiêu phí cho các mục tiêu ngắn hạn trước mắt, đồng nghĩa, dư địa để phát triển của nền kinh tế Việt Nam đang càng lúc càng nhỏ lại. Theo logic này, vòng xoáy cân đối thu - chi sẽ khó khăn hơn rất nhiều”, vị chuyên gia giải thích.

Gập ghềnh tinh giản biên chế

Cân đối thu - chi nhiều năm nay vẫn là vấn đề khiến các nhà quản lý kinh tế đau đầu. Phép tính hằng ngày của các bà nội trợ khi ở tầm quốc gia khiến các bộ óc kinh tế không tầm thường bối rối. Lựa chọn tăng thu, thay vì giảm chi đang được coi là phương án ít gập ghềnh hơn.

Quả thật, sau hòn đá dò đường thuế tài sản, mới đây, tờ trình về Thuế Bảo vệ môi trường đã được đưa lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, mức thuế với xăng được đề xuất từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít, với dầu diesel từ 1.500 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít, thuế với dầu mazut và dầu nhờn, dầu hỏa, mỡ nhờn tăng lên 2.000 đồng/lít.

Nếu đề xuất này được thông qua, ngân sách sẽ có thêm 14.368 tỉ đồng/năm, khoản thu giúp gánh gồng phần nào áp lực chi tiêu. Việc áp đặt sắc thuế mới hay điều chỉnh mức đóng thuế có thể buộc phải chấp nhận như một giải pháp tình thế. Tuy vậy, không thể không tìm kiếm lời giải thuyết phục và bền vững, lựa chọn tối ưu được dư luận đồng thuận là thực hiện tinh giản biên chế.

Hòn đá tảng chặn đường tiến tới mục tiêu này là cách thực hiện việc tinh giản biên chế. Nhiều giải pháp như siết chặt lượng tuyển mới, khuyến khích công chức, viên chức nghỉ hưu sớm, cơ cấu lại bộ máy tổ chức, trả lương theo vị trí công việc... tất cả đều đã được đưa ra, chỉ có điều, kể cả không có nhiều lực cản thân hữu, lợi ích nhóm, vẫn loay hoay như gà mắc tóc, không biết bắt đầu từ đâu. Tuổi hưu đang đề xuất được nâng lên càng khiến tinh giản biên chế tiến gần hơn tới ngưỡng bất khả thi.

Bo may cong kenh mo nen cong vu 4.0
 

Về vấn đề này, ông Lê Cao Đoàn đưa ra cách tiếp cận rất đáng chú ý. Theo vị chuyên gia, bộ máy quản lý hiện nay được hình thành phù hợp với nền kinh tế bao cấp. Sự thay đổi về đường lối kinh tế, hướng tới nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa khiến cho mô hình tổ chức cũ không còn tương thích.

Nếu độ lệch đó không được điều chỉnh, mục tiêu giảm mức độ cồng kềnh và tăng hiệu lực của bộ máy quản lý, tiến tới một nền công vụ hiện đại khó thành hiện thực. Tất nhiên, câu hỏi được đặt ra vẫn là, chúng ta nên làm thế nào? Vị chuyên gia cho rằng, đi sai bước nào thì quay đầu đi lại bước đấy. Các nước phát triển đã phải kinh qua những bài học cay đắng trong suốt 300 năm, để xây dựng nền móng, căn bản và phù hợp với mô hình phát triển kinh tế của mình. Chúng ta cũng không ngoại lệ.

Con đường sẽ rất khó đi, bởi nói như vị chuyên gia, lấy đi một hạt sạn trong nhận thức cũng khó như lên trời. Tuy nhiên, chúng ta không có lựa chọn khác. Theo World Bank, từ năm 2021, trên 75% các khoản nợ vay nội địa của Việt Nam đáo hạn. Một năm sau đó, chúng ta sẽ phải hoàn trả phần lớn khoản vay ODA.

Việt Nam không thể đối diện với áp lực trả nợ dồn dập bằng cách nào khác ngoài việc tinh giản biên chế, tăng hiệu lực và hiệu quả của bộ máy nhà nước. Kỷ lục tăng trưởng GDP năm 2017 hay kết quả rực rỡ quý I/2018 và có thể cả nhiều năm sắp tới chỉ là con số đảm bảo cho uy tín tài chính của Việt Nam chứ không thể làm mềm lòng chủ nợ. Nếu nền kinh tế không tạo ra hiệu quả thật, chúng ta buộc phải tính đến nhiều hệ lụy khó lường