Bộ KH-ĐT: Nguy cơ mất thị trường vào tay DN ngoại đang cận kề
Thị trường phát triển chậm
Theo báo cáo của Bộ KHĐT, sau giai đoạn giảm sút, thị trường hàng hóa dịch vụ trong nước và xuất khẩu năm 2013 có dấu hiệu phục hồi nhưng ở mức chậm. Ở trong nước, sức mua của người dân vẫn chưa phục hồi, giá cả một số hàng hóa xuất khẩu giảm, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn do hàng rào kỹ thuật của các nước dựng lên ngày càng gia tăng.
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến chế tạo 2 tháng đầu năm 2014 tăng thấp, chỉ tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2013.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao; tại thời điểm 12/2013 tăng 10,2% và quý I/2014 tăng 13,4%.
Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho cao, như chế biến sữa(44%), sản xuất đường (tăng 46%), sản xuất da và các sản phẩm liên quan (tăng 53%); thuốc, hóa học và dược liệu (tăng 61%).
Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm 1/12/2013 chỉ tăng 0,8% phản ánh các hoạt động sản xuất kinh doanh còn đang ở mức cầm chừng, chưa được mở rộng.
Sức cầu của nền kinh tế tiếp tục duy trì ở mức thấp
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 chỉ tăng 12,6% và là mức tăng thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Quý I/2014 chỉ tăng thấp ở mức 10,2% so với cùng kỳ năm trước.
Mối nguy mất thị trường vào tay doanh nghiệp ngoại
Báo cáo cũng cho biết, kim ngạch xuất khẩu năm 2013 tăng 15,4% so với năm 2012; tuy nhiên thị phần xuất khẩu chủ yếu đóng góp bởi doanh nghiệp FDI.
Các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm tỷ trọng 33% với mức tăng trưởng thấp 3,5% so với năm 2012.
Trong khi đó các doanh nghiệp FDI không kể dầu thô chiếm tỷ trọng tới 61,4%, tăng 26,8%.
Xuất khẩu của khu vực này trong những năm gần đây luôn tăng mạnh, mức tăng năm 2011 là 41%; năm 2012 tăng 31,1%, năm 2013 tăng 22,4%.
Về thị trường bán lẻ, Bộ KHĐT cho biết, kinh tế ngoài nhà nước hiện tham gia hoạt động kinh doanh trên thị trường trong nước với tỷ lệ cao trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng.
Tuy nhiên, các nhà bán lẻ nước ngoài chiếm tỷ trọng đến 40% với sự có mặt của nhiều tập đoàn phân phối hàng đầu như Metro (Đức), Casino (Pháp), Lion (Malaysia), Lotte (Hàn Quốc), Aceon (Nhật) cùng nhiều thương nhân Trung Quốc.
Các doanh nghiệp thương mại có vốn đầu tư nước ngoài này đang phát triển mạnh do có tiềm lực tài chính dồi dào, thương hiệu nổi tiếng và kinh doanh bài bản.
Bên cạnh đó, cam kết mở cửa thị trường bán lẻ từ 1/1/2015 khi Việt Nam gia nhập WTO cùng với mức thuế quan giảm xuống 0% đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu trong thời gian tới khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ là những áp lực lớn cho các doanh nghiệp trong nước duy trì thị phần và mở rộng thị trường trong thời gian tới.
Thị trường của doanh nghiệp Việt Nam cơ bản vẫn manh mún nhỏ lẻ, thực hiện thương mại theo hình thức truyền thống.
Thương mại hiện đại như mua bán qua siêu thị, thương mại điện tử, mua hàng trực tuyến chiếm tỷ trọng nhỏ.
"Nguy cơ mất thị trường ngay trên sân nhà hiện hữu với làn sóng thôn tính của các doanh nghiệp FDI đối với các doanh nghiệp và thương hiệu Việt Nam." - Bản báo cáo trình bày rõ nhận định với Văn Phòng Chính phủ.
Nguồn CafeF/Trí Thức Trẻ