Bộ GTVT khẳng định cần thiết xây Cảng hàng không Long Thành
Trong khi đó, khu vực Long Thành, tỉnh Đồng Nai, có diện tích đủ lớn để xây dựng sân bay trung chuyển quốc tế phục vụ khu vực phía Nam (5.000ha); có hệ thống đường cao tốc tiếp cận sân bay; môi trường môi sinh được đảm bảo; chi phí giải phóng mặt bằng thấp; địa chất thủy văn phù hợp.
Ông Nguyễn Hồng Trường cho biết thêm, hiện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã khai thác đạt công suất thiết kế (năm 2013 đạt 20 triệu khách); đang được cải tạo mở rộng để đạt công suất 25 triệu hành khách/năm và sẽ quá tải vào năm 2016-2017.
Để nâng công suất lên 50 triệu khách/năm đối với Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, sẽ cần ít nhất 9,1 tỷ USD bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng cho khoảng 140.000 hộ dân, là quá lớn so với việc phát triển một cảng hàng không mới.
Việc cải tạo mở rộng Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ gặp khó vì sân bay nằm trong khu vực đông dân cư, khi cải tạo để đạt công suất 50 triệu khách/năm sẽ không đảm bảo môi trường xã hội, sinh thái. Hơn nữa giao thông tiếp cận Sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có duy nhất trục đường nội đô nên khi đạt lưu lượng 50 triệu khách/năm sẽ khó đảm bảo tình hình giao thông xung quanh.
Trong khi đó, theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam: Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang quá tải, cao điểm máy bay phải đậu vào đường lăn, tắc nghẽn chính vẫn diễn ra ở đường hạ cất cánh và vùng trời bay. Cao điểm sân bay tiếp nhận 29 chuyến/ngày gây điểm nghẽn cổ chai của toàn bộ hệ thống khai thác.
Bộ Quốc phòng đã tạo điều kiện để Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sử dụng vùng bay linh hoạt lúc không có hoạt động bay quân sự tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tình thế; nếu có hoạt động bay quân sự vẫn phải bay vòng.
Ông Lại Xuân Thanh cũng thừa nhận, khoảng thời gian từ lúc sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất mãn tải vào năm 2017 cho đến năm 2023 - năm bắt đầu khai thác sân bay quốc tế Long Thành sẽ là bài toán nan giải cho ngành hàng không Việt Nam. Lúc này sẽ phải chấp nhận một thực tế là do không thể mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để nâng công suất nên chất lượng dịch vụ trong nhà ga sẽ kém đi, thời gian bay vòng sẽ nhiều hơn...
Theo quy hoạch được duyệt, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (đến năm 2025) đạt công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, giai đoạn 2 (đến năm 2030) đạt 80 triệu khách/năm và giai đoạn 3 (sau năm 2030) đạt 100 triệu khách/năm. Tổng vốn đầu tư khái toán giai đoạn 1 là 164.000 tỷ đồng (gần 7,8 tỷ USD) trong đó vốn ngân sách Nhà nước là 85.000 tỷ đồng còn lại là vốn vay ODA.
Để thu xếp vốn cho dự án lớn như vậy, ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên ACV cho biết, ACV sẽ vay lại từ vốn vay ODA của Chính phủ để đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Để hoàn vốn, ACV sẽ kinh doanh dịch vụ, cho thuê lại; phương thức vay này đã từng được áp dụng có hiệu quả tại dự án xây dựng Nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất hay Nhà ga hành khách T2 - Càng hàng không quốc tế Nội Bài, Hà Nội.
Năm nay, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ đạt công suất 22 triệu khách/năm với 160.000 lần hạ cất cánh; nếu nâng công suất lên 188.000 lần hạ cất cánh/năm thì sẽ quá tải và không an toàn. Vì thế việc xây mới Cảng hành không quốc tế Long Thành không chỉ giải quyết vấn đề quá tải cho sân bay Tân Sơn Nhất mà còn là chiến lược phát triển ngành hàng không.
Liên quan tới việc đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án, ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai thông tin: Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành khiến hơn 4.540 hộ dân và 25 tổ chức thuộc 6 xã bị ảnh hưởng; trong đó có hơn 3.500 hộ bị giải tỏa trắng; tổng số nhân khẩu bị ảnh hưởng là gần 14.500 người.
Hiện nay đa số các hộ dân đều đồng thuận với chủ trương triển khai dự án, chỉ có 25 hộ dân chưa thống nhất với phương án đền bù. Tổng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho dự án khoảng 18.500 tỷ đồng./.
Nguồn Vietnamplus