Bộ Giao thông Vận tải vẫn đề nghị xây sân bay Long Thành
Trước đó, trong kiến nghị của mình, hai ông cho rằng việc đầu tư một khoản tiền lớn gần 8 tỉ USD để xây sân bay Long Thành là không cần thiết. Nếu có nhu cầu, Nhà nước chỉ cần mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía bắc (nơi đang làm sân golf Gò Vấp) để đảm nhiệm chức năng quốc tế. Phía nam sân bay Tân Sơn Nhất sẽ dành cho nội địa. Khi đó, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có diện tích lớn gấp đôi sân bay Changi của Singapore (một sân bay lớn ở châu Á)...
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng, Bộ GTVT cho rằng việc xây dựng thêm cảng hàng không hỗ trợ, thay thế Tân Sơn Nhất là phù hợp. Bởi dự báo tăng trưởng sản lượng hành khách từ năm 2018 đến năm 2020 sẽ đạt công suất thiết kế là 20-25 triệu hành khách/năm và sẽ quá tải các năm sau đó. Trong khi đó, việc mở rộng để nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất để đáp ứng nhu cầu khai thác là rất khó thực hiện được. Nếu đầu tư thêm một đường hạ, cất cánh tương đương về phía bắc của sân bay Tân Sơn Nhất cũng không khả thi do nằm trong khu vực dân cư dày đặc và các đường phố chính đã giới hạn khu vực này.
Ngoài ra, do sân bay Tân Sơn Nhất nằm trong khu vực dân cư có mật độ cao, quỹ đất dành cho phát triển mở rộng rất hạn chế nên cũng khó phát triển hệ thống giao thông tiếp cận tương ứng khi nâng cao công suất khai thác.
Về lý do lựa chọn xây dựng sân bay ở Long Thành, Bộ GTVT cho rằng đảm bảo thỏa mãn các tiêu chí tổng hợp cho việc xây dựng, như khoảng cách đến TPHCM không quá xa; thứ hai, vị trí của sân bay Long Thành cũng đảm bảo đủ diện tích để xây dựng sân bay mới, hiện đại có công suất 80-100 triệu hành khách/năm, sân bay cấp 4F, cấu hình bốn đường cất, hạ cánh. Ngoài ra, do nằm xa khu vực biên giới, xa khu vực cấm bay nên rất thuận tiện cho công tác quản lý bay, quản lý vùng trời.
Hiện Bộ GTVT đang tiếp tục lấy ý kiến và hoàn thiện dự án xây dựng sân bay Long Thành. Sau đó Bộ sẽ báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp tới.
Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2005, nằm trên diện tích khoảng 25.000 ha thuộc địa bàn sáu xã tỉnh Đồng Nai.
Theo quy hoạch, quá trình xây dựng sẽ chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 (2014-2020), Long Thành sẽ có công suất 25 triệu hành khách/năm với hai đường cất, hạ cánh. Giai đoạn 2 (2020-2030) sẽ có công suất 50 triệu hành khách và giai đoạn 3 (sau năm 2030) sẽ lên đến 100 triệu hành khách/năm với bốn đường bay.
Dự án dự kiến có tổng số vốn đầu tư khoảng 8 tỉ USD, riêng giai đoạn 1 là gần 6 tỉ USD.
Nguồn Pháp luật TPHCM