Bộ đôi ACB-STB thoát vòng kim cô "nợ xấu"
Hai ngân hàng một thời là hình mẫu cho các ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh đang dần trở lại, đi cùng với những triển vọng tốt đẹp về nền kinh tế Việt Nam, với chỉ 30% người dân có tài khoản ngân hàng và tầng lớp trung lưu đang gia tăng.
Bộ đôi cổ phiếu STB của ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín và ACB của ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu đang trở thành tâm điểm của thị trường khi tăng giá ròng rã trong thời gian qua. Cổ phiếu tăng giá thường phản ánh tình hình nội tại của các công ty đang tốt lên.
ACB ngày trở lại
Vừa qua, trong một bài đăng trên Facebook gửi tới toàn thể cán bộ công nhân viên nhân dịp năm mới, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc ACB, đã thông báo rằng ngân hàng này đã hoàn toàn xử lý xong nợ xấu, vốn là nguyên nhân ACB “đi chậm” trong những năm vừa qua. Ông Toàn bày tỏ niềm tin rằng với những gì đã đạt được trong năm 2017 sẽ là nền tảng và là bệ phóng cho sự bứt phá của ACB trong thời gian tới.
Theo số liệu từ báo cáo tài chính của ACB, chỉ tính riêng trong quý III.2017, ACB đạt lợi nhuận trước thuế đạt 742 tỷ đồng (tăng 11,2% so với quý II, tăng 78,4% so với cùng kỳ năm ngoái). Lũy kế 9 tháng/2017 đạt 2.004 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 61,1% so với cùng kỳ năm ngoái), hoàn thành 90,9% kế hoạch năm là 2.205 tỷ đồng (tăng 32,2% so với cùng kỳ năm ngoái).
Năm 2017, bộ phận phân tích của SSI - SSI Retail Research dự báo rằng ACB có thể đạt mức lợi nhuận 2.290 tỷ đồng và lợi nhuận năm 2018 có thể đạt trên 5.000 tỷ đồng, chủ yếu là nhờ ACB không còn gánh nặng nợ trong quá khứ đã từng khiến ngân hàng gặp khó khăn.
Những chuyển động tích cực của ACB đã thể hiện lên giá cổ phiếu của công ty. Trong vòng 1 năm qua, cổ phiếu của công ty đã tăng từ mức hơn 20.000 đ/ cổ phiếu lên hơn 40.000 đồng/ cổ phiếu.
Cổ phiếu ACB đã liên tục lập các mức cao mới và phá mốc 40.000đ/cổ phiếu lần đầu tiên kể từ năm 2008. Ảnh: VnDirect |
Sacombank xử lý nợ xấu nhanh hơn dự kiến
Năm 2017 là một năm đầy biến động với Sacombank, khi ngân hàng này cuối cùng đã tổ thức thành công Đại hội đồng Cổ đông sau 2 năm tạm hoãn. Ông Dương Công Minh, cựu chủ tịch của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và Tập đoàn Him Lam, đã được bầu làm chủ tịch của ngân hàng này với những cam kết sẽ đẩy nhanh tình hình xử lý nợ xấu của ngân hàng này.
Cổ phiếu của STB đã suy giảm mạnh và lần đầu tiên giảm xuống dưới mốc 10.000đ/cổ phiếu kể từ năm 2011 khi tình hình tài chính của ngân hàng thời hậu sáp nhập với ngân hàng Phương Nam được hé lộ. Đến mức vào đầu năm 2017, Chủ tịch của ngân hàng khi đó là ông Kiều Hữu Dũng đã phải lên tiếng: “Chúng tôi không phải ngân hàng yếu kém”.
Giữ vững lời cam kết xử lý nợ xấu của mình, ông Minh cùng ban lãnh đạo mới của Sacombank đã cùng bắt tay thực hiện mục tiêu đề ra.
Những ngày đầu năm mới 2018, Sacombank đã thông báo rằng ngân hàng này đã xử lý được tổng cộng 19.000 tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu giảm xuống mức 4,28% so với mức 6,68% thời điểm cuối tháng 12 năm 2016. Và ngân hàng cũng đã hé lộ kế hoạch của mình khi nhiều khả năng sẽ tăng cường việc xử lý nợ xấu nhằm đưa nợ xấu về mức dưới 3% vào thời điểm cuối năm 2018.
Như ông Kiều Hữu Dũng chia sẻ nhờ có nội lực và là 1 trong 5 ngân hàng lớn khối cổ phần nên Ngân hàng Nhà nước mới khuyến khích Sacombank nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam. Và nếu không phải trích lập dự phòng cho các tài sản không sinh lời và nợ xấu của Ngân hàng Phương Nam, lợi nhuận của Sacombank năm 2016 có thể lên tới 4.000 tỷ đồng.
Đó cũng chính là điều nhà đầu tư kỳ vọng khi ông Dương Công Minh nhận nhiệm vụ tại Sacombank. Sau khi Sacombank công bố thông tin xử lý được 19.000 tỷ nợ xấu và lộ trình giảm nợ xấu trong tương lai, cổ phiếu của Sacombank đã tăng mạnh.
Cổ phiếu STB đã tăng điểm mạnh mẽ kể từ sau khi giảm xuống còn hơn 8.000đ/cổ phiếu vào tháng 1 năm 2017, cổ phiếu này chuẩn bị phá mốc 15.000đ/cổ phiếu lần đầu kể từ cuối năm 2015. Tính theo, mức giá hiện tại cổ phiếu STB đã tăng hơn 81% trong 1 năm qua. Ảnh: VnDirect |
HSC nhận định, thông tin trên là tích cực cho Sacombank, giúp đưa ra triển vọng rõ ràng hơn cho ngân hàng này. Thị trường vẫn luôn lo ngại về nợ xấu của Sacombank. Tuy nhiên, HSC cho rằng báo cáo tạm thời của Sacombank về xử lý nợ xấu trong năm 2017 có thể thấy ngân hàng đang làm được nhiều hơn kì vọng của nhà đầu tư trong vấn đề xử lý nợ xấu. Về phương diện cổ phiếu, HSC cũng đã nâng đánh giá với cổ phiếu STB từ “Bán ra” lên “Nắm giữ”.
Tiềm năng của Sacombank là rất lớn với mạng lưới giao dịch rộng lớn trên toàn quốc với 566 chi nhánh/phòng giao dịch và là ngân hàng ngoài quốc doanh có tài sản lớn nhất (364 nghìn tỷ đồng). Chính cựu chủ tịch của Eximbank, ông Lê Hùng Dũng, cũng phải thừa nhận vào năm 2013 rằng: “Cứ như tình hình hiện tại thì 40 năm nữa Eximbank mới đuổi kịp được Sacombank về mạng lưới”. Hy vọng sau khi xử lý xong nợ xấu, Sacombank có thể trở lại với vị thế như xưa.