Bộ Công thương vẫn xin thu phí điều tiết điện lực
Nhiều cơ quan điều tiết điện lực trên thế giới đã hoạt động hoàn toàn bằng nguồn thu phí. Mặt khác, sắp tới, khi thị trường điện lực phát triển đầy đủ hơn, cơ quan điều tiết hoạt động điện lực phải có vị trí, vai trò độc lập, tổ chức thực hiện nhiệm vụ điều tiết hoạt động điện lực nhằm cung cấp điện an toàn, ổn định, sử dụng điện tiết kiệm, có hiệu quả và đảm bảo công bằng, minh bạch.
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng lý giải thêm, nếu chỉ dựa vào mỗi ngân sách nhà nước thì e rằng Cục điều tiết điện lực sẽ hoạt động không mấy hiệu quả. Vì vậy, ban soạn thảo dự án luật vẫn mong UBTVQH xem xét bổ sung thêm mức thu phí điều tiết điện lực. Chỉ khác là quy định này sẽ không đưa thẳng trong luật mà bổ sung thêm vào pháp lệnh Phí và lệ phí.
Lập luận này ngay sau đó đã bị sự phản đối của UBTVQH. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói Cục điều tiết điện lực là cơ quan giúp việc cho Bộ Công thương. Đây là một hoạt động quản lý nhà nước, đã được ngân sách nhà nước bảo đảm chứ không phải là một loại hình dịch vụ công nên không thể bắt người dân phải nộp phí.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tiếp tục giải thích, đây là đơn vị nằm trong Bộ thực hiện việc giám sát hoạt động của thị trường điện lực, giám sát điều độ hệ thống điện truyền tải quốc gia, cung cấp điện của các công ty điện lực.
“Đơn vị này còn làm những dịch vụ như: giải quyết khiếu nại tố cáo, giám sát thị trường điện cạnh tranh. Theo xu hướng, chúng ta sẽ tách cơ quan điều tiết điện lực ra để hoạt động độc lập chứ không nằm trong Bộ nữa, nên chúng tôi tha thiết xin được thu phí”, ông Hoàng nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách lập tức đặt câu hỏi, liệu lâu nay ngành điện đã thu khoản phí này chưa và nếu không thu, liệu có ảnh hưởng gì?
Lần thứ ba, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lại đứng lên và phân bua thêm: “Lâu nay chúng tôi chưa thu, nhưng để đảm bảo hoạt động, lâu nay chúng tôi có trao đổi với EVN và họ cũng có gánh vác giúp một phần kinh phí này”.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng, do nhiệm vụ của Cục điều tiết điện lực là giám sát hoạt động của thị trường điện lực nên việc phải “xin” hỗ trợ kinh phí từ phía EVN sẽ khiến cho giám sát thiếu khách quan. Nên giải pháp là phải thu thêm phí để bù đắp.
Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, lý do như vậy không hợp lý. Quốc hội cũng không sửa luật để lại phát sinh thêm phí trong bối cảnh dự án luật đã bổ sung thêm rất nhiều loại giá khác nhau cho ngành điện.
Riêng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý thì gợi ý, nên chăng tách rõ trong quá trình điều tiết điện lực, khâu nào thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước, khâu nào được xem là cung cấp dịch vụ công. Có muốn thu phí để giảm áp lực lên ngân sách thì phải tách rõ ra như vậy mới đủ sức thuyết phục.
Chốt phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, không thể quy định thu phí điều tiết. Trong trường hợp hình thành cơ quan điều tiết điện lực độc lập thì khi đó sẽ nghiên cứu thêm, và có thể bổ sung vào trong pháp lệnh. Dự án luật sẽ được trình tại kỳ họp Quốc hội tới đây.
Nguồn Vietnamnet