Thứ Hai | 10/09/2012 17:45

Bộ Công thương triển khai giải pháp giúp doanh nghiệp vượt khó

Bộ Công Thương đang đề xuất Ngân hàng nhà nước áp dụng việc bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, chỉ thị 13/CT-BCT về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ký ban hành ngày 17/8/2012 là một bước để giúp doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường, tiếp cận với vốn vay ngân hàng và phát triển sản xuất.

Cụ thể, Bộ đã yêu cầu các Tập đoàn, Tổng Công ty và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, xác định nhiệm vụ trong từng công việc cụ thể trong chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch...các biện pháp thiết thực, hiệu quả để đẩy nhanh việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình trong phạm vi quản lý.

Các cơ quan quản lý cũng cần xóa bỏ các rào cản đầu tư bất hợp lý, tạo mọi điều kiện về hạ tầng, mặt bằng, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khuyến khích đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước và đầu tư từ nước ngoài.

Đối với thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng đang triển khai hàng loạt chương trình kích cầu, trong đó đẩy mạnh hơn nữa chương trình bình ổn giá, kết nối sản xuất-dự trữ với hệ thống phân phối nhằm giảm giá thành cũng như cân đối cung-cầu trong nước.

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho hay, hiện nhiều giải pháp để tăng mua nông sản, kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp với từng vùng, miền đang được nhân rộng.

"Vụ thị trường trong nước đang triển khai mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản gắn với chuỗi, sau khi làm xong tại 12 tỉnh thành sẽ có tổng kết và nhân rộng," ông Quyền nói.

Cùng với hàng loạt giải pháp đồng bộ trên, Bộ Công Thương đang đề xuất Ngân hàng nhà nước áp dụng việc bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như nghiên cứu cơ chế bảo hiểm tín dụng với các thị trường tiềm năng nhưng có rủi ro cao và điều chỉnh linh hoạt thuế suất để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VAS) cho biết, mặc dù lợi nhuận của việc xuất khẩu thép vào thời điểm này thấp, nhưng việc hướng sang các thị trường phi truyền thống cũng là giải pháp để các doanh nghiệp trong ngành giải quyết được lượng hàng tồn kho, thu hồi được vốn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, không để công nhân mất việc.

"Về lâu dài, Hiệp hội Thép cũng kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện hơn nữa trong công tác xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp xuất khẩu thép; đồng thời xem xét cho giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% để giảm áp lực tồn kho hiện nay của ngành," ông Nghi kiến nghị.

Nguồn Vietnamplus


Sự kiện