Bộ Công Thương thu gần 140 tỷ đồng từ đấu giá hạn ngạch nhập đường
Tại phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 85.000 tấn đường năm 2016 lần đầu tiên được Bộ Công Thương tổ chức ngày 7/9, có 25 hồ sơ của doanh nghiệp tham gia, trong đó có 22 hồ sơ hợp lệ. Lần đấu giá thí điểm này được phân thành hai nhóm, khi những thương nhân sản xuất đường chỉ được đăng ký đấu giá quyền sử dụng chủng loại đường thô với tổng khối lượng 40.000 tấn.
Các thương nhân sử dụng đường như các công ty sản xuất bánh kẹo, nước giải khát… sẽ tham gia đấu giá quyền sử dụng chủng loại đường tinh luyện. Số lượng đấu giá là 45.000 tấn.
Theo kết quả của phiên đấu giá, tổng số tiền Bộ Công Thương thu về đạt khoảng 138 tỷ đồng. Có 8 đơn vị trúng đấu giá mặt hàng đường tinh luyện, trong đó phải kể tới một số "đại gia" ngành đồ uống như: Công ty Nước giải khát Coca Cola Việt Nam được nhập 4.000 tấn; Công ty TNHH Nestle Việt Nam trúng 9.000 tấn, Công ty cổ phần sữa Vinamilk trúng 16.000 tấn....
Riêng mặt hàng đường thô chỉ có 3 trong số 8 đơn vị tham gia trúng đấu giá lần này là Công ty cổ phần Đường Biên Hòa là Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (mỗi doanh nghiệp được nhập 14.444 tấn) và Công ty Đường Khánh Hòa (11.110 tấn).
Thứ trưởng Công Thương - Đỗ Thắng Hải cho biết trước đây, các công ty lớn sẽ được cấp hạn ngạch nhập khẩu đường nhưng số lượng hạn chế. Nếu không đủ phục vụ nhu cầu sản xuất, doanh nghiệp sẽ phải mua thêm của các nhà máy trong nước hoặc đàm phán với các đối tác nhập khẩu khác với mức giá cao hơn. Hơn nữa, việc phân quota nhập khẩu đường cũng dễ dẫn tới tình trạng xin - cho. Vì thế cuối tháng 6/2016 Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 07 quy định về nguyên tắc đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016.
Dự kiến sau khi công bố kết quả, trong vòng 5 ngày, đơn vị trúng thầu phải chuyển tiền đã đấu giá thành công và sau 7 ngày công ty nào không trúng sẽ được hoàn lại tiền đặt cọc tham gia đấu giá.
Đánh giá của Bộ Công Thương về giá và tiêu thụ từ đầu năm đến nay cho thấy, mặt hàng đường trong nước liên tục tăng giá, mức tăng bình quân 10-15% so với đầu vụ và tăng 20-30% so với cùng kỳ 2015. Trong khi đường có dấu hiệu sốt giá thì nguồn cung trong nước lại giảm. Tính toán sơ bộ của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSA) cho biết, sản lượng mía mùa vụ 2015-2016 giảm gần 200.000 tấn, khoảng 10% so với niên vụ trước.
Giá bán đường trong nước bị đẩy lên cao, cùng tình trạng "găm" hàng chờ giá buộc Bộ Công Thương tính tới phương án triển khai đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 85.000 tấn đường để bù lượng đường thiếu hụt, hạ nhiệt giá bán trong nước.
Nguồn Vnexpress