Dân trí
Bộ Công Thương: "Mỹ cần cân nhắc kỹ việc áp thuế lên thép và nhôm của Việt Nam"
Ngày 16.2 năm 2018, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành công khai báo cáo đệ trình tổng thống xem xét, quyết định biện pháp áp dụng nhằm hạn chế nhập khẩu thép và nhôm theo Mục 232 Đạo luật Thương mại mở rộng năm 1962 (Trade Expansion Act). Mục 232 quy định về việc Tổng thống Hoa Kỳ có thể áp dụng biện pháp hạn chế đối với hàng nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia.
Trong báo cáo của mình, ông Wilbur Ross, Bộ Trưởng Thương mại Hoa Kỳ đề xuất ba lựa chọn cho Tổng thống Trump, bao gồm áp đặt một mức thuế nhập khẩu đại trà đối với thép và nhôm; chọn ra các quốc gia có để áp các mức có thuế cao hơn; hạn chế tổng lượng thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ.
Trump có thể chọn một trong những đề xuất này hay áp dụng tất cả. Một phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết các khuyến nghị trên được đề cập trong tài liệu mà ông Trump đang xem xét và đưa ra quyết định. Bà lưu ý ông Trump có thể thực hiện theo một hay tất cả các hành động trên hoặc không có hành động nào cả.
Ông Ross đệ trình lên Tổng thống Trump ba lựa chọn đối với mặt hàng thép:
- Đánh thuế 24% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các nước.
- Đánh thuế tối thiểu 53% đối với hàng nhập khẩu từ 12 quốc gia: Brazil, Trung Quốc, Costa Rica, Ai Cập, Malaysia, Hàn Quốc, Nga, Nam Phi, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam. Xuất khẩu thép của các quốc gia này vào Mỹ năm 2018 sẽ không được vượt quá lượng xuất khẩu mà họ đã thực hiện trong năm 2017.
- Cắt giảm 37% nhập khẩu thép vào Mỹ, nhà nhập khẩu thép lớn nhất thế giới, từ tất cả các nước.
Đối với nhôm, ông Ross đã đề xuất một số phương án:
- Mức thuế 7,7% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các nước.
- Mức thuế 23,6% đối với hàng nhập khẩu từ 5 nước xuất khẩu nhôm cụ thể là Trung Quốc, Hồng Kông, Việt Nam, Nga và Venezuela. Giống như thép, các quốc gia này sẽ không được phép xuất khẩu nhôm vào Mỹ nhiều hơn năm 2017.
- Cắt giảm 13% nhập khẩu nhôm từ tất cả các nước.
Sau khi nhận được báo cáo của DOC, Tổng thống Hoa Kỳ sẽ xem xét và ban hành quyết định cuối cùng về áp dụng hoặc không áp dụng, mức độ áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với thép (trước ngày 11.4) và với nhôm (trước ngày 19.4 năm 2018).
Bộ Công Thương Việt Nam đã theo dõi sát vụ việc ngay từ giai đoạn ban đầu, phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Thép, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan trong và ngoài nước để trao đổi, chia sẻ thông tin và ứng phó với vụ việc.
Với việc nhập khẩu thép và nhôm từ Việt Nam chỉ chiếm một tỷ trọng không đáng kể trong tổng nhập khẩu thép và nhôm của Hoa Kỳ, Bộ Công Thương Việt Nam đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ cân nhắc kỹ lưỡng việc áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu sản phẩm thép và nhôm từ Việt Nam, đảm bảo tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới và thông lệ quốc tế, không làm ảnh hưởng đến quan hệ thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến của vụ việc và đang cân nhắc tất cả các phương án xử lý để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp Việt Nam.