Bộ Công Thương mời Trung Quốc cùng làm logistics
Các công ty logistics Việt Nam muốn hợp tác với các công ty Trung Quốc trên cơ sở cùng có lợi.
Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Trần Quốc Khánh, cùng 30 doanh nghiệp Việt Nam đang ở Trùng Khánh, Trung Quốc, để khảo sát và xúc tiến các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực logistics, tin từ Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công thương.
Trùng Khánh, địa phương đầu tiên Bộ Công thương đặt văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc, vào tháng 4.2016, đã khai thông tuyến vận tải container đường sắt Đông nối với Việt Nam, từ Trùng khánh qua Bằng Tường (Quảng Tây) đến Hà Nội.
Với chiều dài 1.400 km và thời gian vận chuyển giảm xuống còn 45 giờ trên toàn tuyến, hàng hóa đến và đi từ Hà Nội hoặc Trùng Khánh sẽ được vận chuyển nhanh đến TP Hồ Chí Minh, tỏa sang các nước ASEAN hoặc các tỉnh, thành phố của Trung Quốc.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, nếu hợp tác, quản lý và khai thác tốt, tuyền đường này sẽ mở ra cơ hội hơp tác lớn trong lĩnh vực logistics giữa hai bên, cung cấp thêm sự lựa chọn hiệu quả trong vận chuyển hàng hóa của Việt Nam với các tỉnh, thành phố của Trung Quốc, cũng như các nước Tây Á, châu Âu và ngược lại.
Kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam – Trung Quốc năm 2017 đã tăng 21,79 tỷ USD so với năm 2016 và chiếm đến 22% tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2017. Trong đó, một phần quan trọng hàng hóa Trung Quốc nhập vào Việt Nam là từ Trùng Khánh và Quảng Tây.
Theo Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu, đang có khoảng 1.300 công ty cung cấp dịch vụ logistics tại Việt Nam, trong đó 30 công ty nước ngoài chiếm 80% thị phần. Tỷ lệ thị trường tăng trưởng 16%/năm nhưng tỷ lệ thuê ngoài còn thấp, chỉ 25-30%.
Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam nhập khẩu 58 tỷ USD từ Trung Quốc và xuất khẩu 35 tỷ USD sang Trung quốc. Phần lớn hàng hóa là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và hàng tiêu dùng.
Theo Bộ Công Thương, các công ty logistics Việt Nam muốn hợp tác với các công ty Trung Quốc trên cơ sở “cùng có lợi”.
Hiện nay, giữa hai nước đang hợp tác một số dịch vụ. Cụ thể, xe tải đã được phép sang lãnh thổ của nhau nhưng dịch vụ này còn đang hạn chế. Cạnh đó, dịch vụ đường sắt giữa hai nước và liên vận sang Nga, Kazakhstan, các nước châu Âu cũng chưa có nhiều hàng hóa.
Hiện, đã có các công ty Trung Quốc làm đại lý cho doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc. Chiều ngược lại, một số công ty Việt Nam làm đại lý cho doanh nghiệp logistics Trung Quốc, nhưng chủ yếu là gom hàng tại Việt Nam và các nước láng giềng chuyển sang Trung quốc.
Bộ Công Thương đề xuất, các công ty Trung Quốc đầu tư vào các trung tâm logistics, trung tâm phân phối, kho bãi, hạ tầng logistics, cảng, sân bay, chủ tàu, chủ hàng tại Việt Nam. Muốn vậy, hai bên cần giải quyết các vấn đề kỹ thuật để tăng tuần suất chạy các chuyến tàu hỏa giữa hai nước đồng thời xem xét lại quy định hiện tại để khôi phục, đẩy mạnh kết nối đường bộ hai nước.