Bộ Công Thương ‘bật đèn xanh’ cho bầu Đức nhập đường
Trong một văn bản gửi tới 4 bộ, gồm NN-PTNT, Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Ngoại giao mới đây,Bộ Công Thương "bật đèn xanh" cho kế hoạch kinh doanh mía đường của bầu Đức.
Bộ này nêu rõ "cho phép Công ty cổ phần Đường Biên Hòa được xuất khẩu (sang Trung Quốc - PV) qua cửa khẩu Bản Vược, Bát Xát, Lào Cai, tương tự như hiện nay vẫn cho phép đường sản xuất trong nước được xuất khẩu qua cửa khẩu này. Đường được sản xuất, gia công từ nguồn đường thô nhập khẩu của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Át-ta-pư, Lào. Đồng thời, Công ty cổ phần Đường Biên Hòa phải đảm bảo tận dụng công suất dư thừa, nhập khẩu đường thô sản xuất, gia công sau đó xuất khẩu toàn bộ lượng đường này, không để thẩm lậu đường vào thị trường nội địa ảnh hường đến thị trường, giá cả mặt hàng đường trong nước và đời sống của nông dân trông mía".
Bộ Công Thương cho rằng, phương án này tạo điều kiện cho Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai tiêu thụ đường sản xuất tại Lào nhằm nâng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước, tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Lào.
Trên thực tế, kế hoạch kinh doanh mà bầu Đức thỏa thuận với Chính phủ Lào không phải 30.000 tấn mà là 40.000 tấn đường tiêu thụ tại Việt Nam niên vụ 2013-2014.
Hiệp hội Mía đường và ông bầu Đức đang căng thẳng chuyện nhập khẩu đường. |
Hôm 23/9, Phó Thủ tướng Lào đã gửi Công thư cho Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay: "Chính phủ Lào đã cho phép Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư nhiều dự án vào Lào, trong đó có dự án trồng mía và xây dựng nhà máy đường tại tỉnh Át-ta-pư...Trong năm 2013-2014, HAGL có khả năng sản xuất 100.000 tấn đường, trong đó, công ty có nhu cầu xuất về tiêu thụ tại Việt Nam 40.000 tấn".
"Nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giúp đỡ để công ty đầu tư sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tôi trân trọng đề nghị Chính phủ Việt Nam chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết hạn ngạch nhập khẩu 40.000 tấn đường sản xuất tại tỉnh Át-ta-pư, Lào về tiêu thụ tại Việt Nam trong năm 2013-2014 và sẽ tăng theo mức độ hàng năm... ", Phó thủ tướng Lào viết.
Tuy nhiên, liên quan đến kiến nghị về cấp hạn ngạch nhập khẩu đường này, Bộ Công Thương cho haynăm 2013, Hoàng Anh Gia Lai không thuộc đối tượng cấp hạn ngạch. Theo Thông tư 04 về hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2013 đối với 3 mặt hàng đường, muối, trứng gia cầm, đối tượng được giao nhập khẩu đường là các DN sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và sản xuất đường thô để tinh luyện, không phân giao cho DN kinh doanh thương mại. Do đó, công ty của ông Đức không thuộc nhóm đối tượng này. Ngày 20/9, Bộ Công Thương đã phân giao hết lượng hạn ngạch thuế quan đường năm 2013 cho 30 doanh nghiệp sử dụng đường để sản xuất với sản lượng là 73.500 tấn.
Bộ còn cho biết, nếu doanh nghiệp nhập khẩu đường để sản xuất gia công xuất khẩu qua cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế được làm thủ tục tại cơ quan Hải quan thì cũng không cần xin phép Bộ Công Thương. Trường hợp xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở như kế hoạch kinh doanh đường của bầu Đức mới cần có sự đồng ý của Bộ Công Thương.
Có thể thấy, kế hoạch nhập khẩu đường của bầu Đức đang có sự hậu thuẫn rất lớn từ cơ quan quản lý.Không đơn thuần là việc kinh doanh của riêng doanh nghiệp mà câu chuyện này đã được nâng tầm là vấn đề ngoại giao giữa hai nước Việt - Lào.
Cũng theo công thư trên, Phó Thủ tướng Lào còn đề nghị với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi về vấn đề nhập khẩu mía đường của bầu Đức, đưa vào biên bản Kỳ họp cũng như Hiệp định hợp tác hàng năm của Ủy ban hợp tác liên Chính phủ Lào và Việt Nam.
Thành công đầu tư mía đường tại Lào của ông Đoàn Nguyên Đức đang khiến các doanh nghiệp mía đường nội địa như ngồi trên đống lửa.
Vì giá thành sản xuất đường tại Lào của ông Đức rất rẻ. Tại nước này, mức giá mà ông Đức thu mua mía chỉ xấp xỉ 296.000 đồng một tấn mía, chỉ bằng 25-31% so với giá thu mua mía ở Việt Nam. Giá thành đường cũng chỉ khoảng 4,32 triệu đồng/tấn, bằng chưa đến 50% so với giá thành đường trong nước.
Niên vụ 2012-2013, cả nước dư thừa 400.000 tấn đường và niên vụ 2013-2014 có thể tồn kho lên đến 600.000 tấn, chưa kể hàng nhập lậu giá rẻ từ Thái Lan sang Campuchia, Lào rồi về Việt Nam. Hiệp hội mía đường lo ngại, đường giá rẻ của ông Đức sẽ đánh chết đường trong nước trong việc xuất khẩu sang Trung Quốc cũng như lo ngại ảnh hưởng thị trường nội địa.
Hiện việc nhập khẩu đường của bầu Đức chỉ còn chờ thêm ý kiến của các bộ: NN-PTNT, Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Ngoại giao là xong.
Trao đổi với báo chí gần đây,ông Đức tỏ ra như chưa biết gì về sự hậu thuẫn của cơ quan quản lý.Trước làn sóng phản đối từ những vị "già làng" của ngành mía đường, bầu Đức chia sẻ: "Thị trường Trung Quốc có nhu cầu rất lớn, 30.000 tấn đường không là bao. Các doanh nghiệp khác vẫn xuất được, vấn đề là có xin được Bộ Công Thương đồng ý hay không. Tôi sẵn sàng gặp lãnh đạo VSSA (Hiệp hội mía đường Việt Nam) để trao đổi trực tiếp quan điểm của các bên để có lợi cho cục diện chung".
Nguồn VEF