BMI: Nợ nước ngoài Việt Nam tăng 37% nếu phát hành trái phiếu để xử lý nợ xấu
Cụ thể, theo báo cáo này, đến nay Chính phủ vẫn chưa phê duyệt Đề án thành lập công ty mua bán nợ xấu. Tuy nhiên, có khả năng công ty này có quy mô vốn khoảng 100.000 tỷ đồng.
Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Việt Nam cần tới 250.000 - 300.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu. Có khả năng Chính phủ sẽ phải phát hành trái phiếu để xử lý nợ xấu, gây áp lực lớn lên nợ công.
Tổ chức Business Monitor International (BMI) cho rằng, nếu số tiền xử lý nợ xấu được lấy hoàn toàn từ phát hành trái phiếu, thì tổng nợ nước ngoài của Việt Nam sẽ tăng từ 48,9 tỷ USD năm 2012 lên 67 tỷ USD vào năm 2013, tương đương tăng 37%.
“Để giảm thiểu tiêu cực cho nền kinh tế, Chính phủ chỉ nên hỗ trợ những ngân hàng có khả năng phát triển và để cho những ngân hàng yếu kém phá sản”, đại diện Nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô khuyến cáo.
Việc tập trung nguồn lực cho một số ngân hàng sẽ khiến hiệu quả sử dụng nguồn lực tăng thêm, đồng thời, gây sức ép cho các ngân hàng yếu kém. Điều này sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng.
Business Monitor International (BMI) là công ty khảo sát thị trường quốc tế hàng đầu thế giới có trụ sở tại London, chuyên nghiên cứu, đánh giá kinh tế, tài chính BMI được thành lập vào năm 1984 và hiện hoạt động tại 140 quốc gia trên toàn thế giới với quy mô khách hàng đa dạng và rộng khắp. Những dữ liệu phân tích và dự đoán kinh tế của BMI được nhiều công ty trong nhóm Global Fortune 500 cùng các ngành kinh doanh, ngân hàng, các công ty dịch vụ tài chính, chính phủ các nước và các trung tâm nghiên cứu kinh tế sử dụng.Lĩnh vực khảo sát chính của BMI bao gồm rủi ro quốc gia và dự báo kinh tế vĩ mô, ngoài ra còn có phân tích, đánh giá hoạt động kinh tế và tài chính, đồng thời cung cấp dự báo cho các doanh nghiệp trong tương lai. |
Nguồn Báo Đầu tư