Nhà máy NS Bluescope Việt Nam

 
Thủy Ngọc Thứ Ba | 30/01/2018 08:30

BlueScope bắt tay cùng DIZA thúc đẩy an toàn lao động trong doanh nghiệp

NS Bluescope Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực an toàn lao động tại các khu công nghiệp.

NS Bluescope Việt Nam được biết đến như nhà cung cấp hàng đầu các sản phẩm và giải pháp về thép, đặc biệt tập trung vào ngành công nghiệp xây dựng và cao ốc toàn cầu. Tuy nhiên, mới đây NS Bluescope Việt Nam đã bắt tay với Ban quản lý các Khu Công nghiệp Đồng Nai (DIZA) để triển khai một chương trình mới. Đó là chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý an toàn lao động (ATLĐ), phòng chống cháy nổ cho các doanh nghiệp.

Theo đó, chương trình bắt đầu trong năm 2018 gồm hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quản lý an toàn dành cho cấp quản lý doanh nghiệp.Tiếp đó, các doanh nghiệp sẽ được đăng ký phân nhóm để tham gia các hội thảo chuyên sâu tổ chức 3 tháng /lần liên quan đến việc quản lý các công việc có nguy cơ cao cho các chuyên viên và người phụ trách an toàn tại các doanh nghiệp.

Các chủ đề trong giai đoạn này tập trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý trong các hoạt động rủi ro cao như: an toàn khi thực hiện công việc có tiếp xúc với các nguồn năng lượng, an toàn khi làm việc trên cao, an toàn trong phòng chống cháy nổ. Đây được đánh giá là một hoạt động có ý nghĩa thực tiễn cao trong bối cảnh ATLĐ tại Việt Nam vẫn chưa thực sự nhận được đủ sự quan tâm của các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp. Theo số liệu thống kê của Bộ LĐTB&XH, 6 tháng đầu năm 2017, cả nước xảy ra 4.388 TNLĐ, làm hơn 4.400 người bị nạn, trong đó có 418 người chết. 

BlueScope bat tay cung DIZA thuc day an toan lao dong trong doanh nghiep
Ông Trương Anh Hải, Phó Tổng giám đốc phụ trách an toàn của NS Bluescope Việt Nam

Ông Trương Anh Hải, Phó Tổng giám đốc phụ trách an toàn của NS Bluescope Việt Nam, có cuộc trao đổi về vấn đề này.

An toàn tạo nên lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp

Đầu tư cho an toàn lao động cũng ít nhiều tốn kém thêm chi phí. Các doanh nghiệp lại thường không muốn phát sinh chi phí. Phải giải quyết câu chuyện này thế nào, thưa ông?

Tâm lý chung của doanh nghiệp Việt Nam thường muốn tiết kiệm đồng nào hay đồng đó. Nếu có tầm nhìn xa, các doanh nghiệp sẽ biết cân nhắc cái nào nên đầu tư, đáng đầu tư. Trên thế giới, các công ty lớn ở Bắc Mỹ, châu Âu... đều coi trọng vấn đề an toàn, và dùng an toàn như lợi thế cạnh tranh. Xét về hiệu quả làm việc, trong môi trường làm việc an toàn, dễ chịu, năng suất sẽ cao hơn. 

Đặc biệt, môi trường làm việc an toàn sẽ giúp tâm lý nhân viên ổn định, đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định, duy trì nguồn cung ổn định cho đối tác, giúp tiết kiệm chi phí không cần thiết. An toàn còn là một trong những tiêu chí để đánh giá phát triển bền vững. Môi trường làm việc an toàn cũng sẽ là nhân tố giữ lao động ở lại với doanh nghiệp.

Nói về an toàn lao động thì các doanh nghiệp cần chú ý những vấn đề gì?

Các doanh nghiệp cần chú ý đến 3 yếu tố cơ bản:  đầu tiên là máy móc thiết bị, kế đó là hệ thống quản lý và cuối cùng là con người. Tất cả phải tốt thì mới vận hành trơn tru, an toàn. Nhà máy phải thiết kế an toàn, sạch sẽ, công nghệ phải hiện đại còn hệ thống quản lý cần ưu tiên chú ý vào những quy trình công việc có nguy cơ mất an toàn cao, để đảm bảo không ai bị tai nạn. Con người phải khỏe mạnh, có tay nghề, được đào tạo và có ý thức an toàn tốt.

Tuy nhiên, 3 yếu tố trên vẫn chưa đủ nếu thiếu các yếu tố bổ trợ quan trọng khác đó là cam kết của lãnh đạo và sự tham gia của toàn thể cán bộ công nhân viên. Trên thực tế rất nhiều công ty đang gặp khó khăn trong vấn đề này do cơ cấu tổ chức và việc giao quyền trong công tác ATVSLĐ. Có vẻ như chủ doanh nghiệp nghĩ rằng chỉ cần tuyển dụng một cán bộ an toàn vào công ty xem như bài toán an toàn VSLĐ đã được giải quyết. Theo tôi điều này không hợp lý vì an toàn phải bắt đầu từ cấp cao nhất và lan tỏa xuống toàn thể cán bộ công nhân viên thông qua các hành động cụ thể và dễ nhận thấy để người lao động  tham gia tích cực vào công tác an toàn lao động.

Chúng ta không nên hô khẩu hiệu “an toàn là trên hết” mà cần xác định rõ an toàn là làm gì, cần đạt các chỉ tiêu nào. Như NS BlueScope Việt Nam, hơn 500 nhân viên và nhân viên nhà thầu phải tham gia vào các tiểu ban quản lý rủi ro tại nhà máy hoặc văn phòng bất kể họ thuộc bộ phận hay phòng ban nào để thực hiện các hoạt động sau: kiểm tra an toàn khu vực làm việc, họp an toàn, báo cáo hành vi hoặc điều kiện mất an toàn… với tần suất hàng tháng. Và khi hoạt động này trở thành văn hóa, nhân viên sẽ xây dựng được thói quen quan tâm, chú ý, bảo vệ an toàn lao động cho bản thân và đồng nghiệp.  Đây là bài toán gốc rễ. Nếu doanh nghiệp không ưu tiên, sẽ không thể kiểm soát được rủi ro mất an toàn lao động.

Nhưng để hoạt động an toàn lao động được triển khai sâu rộng và tuân thủ triệt để, người quản lý công tác an toàn lao động phải có tiếng nói đủ trọng lượng và thực tế cho thấy  chức danh phó Tổng giám đốc chuyên trách vấn đề an toàn tại Ccông ty NS BlueScope là một ví dụ điển hình cho cơ cấu tổ chức và cam kết của doanh nghiệp và các bạn sẽ không thấy nhiều công ty tại Việt Nam chú trọng vấn đề này.

Thực hiện “giao ước” thúc đẩy an toàn lao động

Được biết, NS Bluescope Việt Nam là doanh nghiệp đầu tiên hợp tác với DIZA để chia sẻ kinh nghiệm của mình với các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Động lực gì để công ty triển khai chương trình này, thưa ông?

Đây là một trong những giao ước của Bluescope về trách nhiệm xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Riêng ở Việt Nam, chúng tôi chọn chủ đề an toàn lao động để chia sẻ. BlueScope sẽ triển khai chương trình này tại các tỉnh nơi mà BlueSope có đầu tư nhà máy, cụ thể là tại tỉnh Đồng Nai trong năm 2018 và dự định thực hiện chương trình tương tự tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong năm 2019 nếu được sự cho phép.

Chúng tôi tin rằng, khi các doanh nghiệp cùng ý thức, quan tâm đầu tư đến công tác an toàn lao động, môi trường làm việc sẽ trở nên an toàn hơn, sẽ giảm thiểu các tai nạn lao động và phòng tránh được thiệt hại từ cháy nổ.

Bluescope là đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực thép, giải pháp về thép. Liệu khi  Bluescope đề cập đến an toàn lao động, một mảng không thuộc chuyên môn thì Bluescope có thể thuyết phục được các doanh nghiệp khác hưởng ứng?

Nói tới an toàn, chắc chắn mỗi ngành nghề sẽ có sự khác biệt về đặc điểm sản xuất, dây chuyền, công nghệ. Nhưng nói tới an toàn lao động, thì quy trình, cách thức lại rất giống nhau. Bởi vì nói tới an toàn là nói tới các giải pháp, cách thức mà mỗi doanh nghiệp sẽ kiểm soát rủi ro.

Kinh nghiệm triển khai an toàn lao động tại công ty BlueScope đều dựa trên thực tiễn vận hành & điều hành tại hơn 100 nhà máy tại 17 quốc gia. Vì thế, chúng tôi tin những gì mình chia sẻ sẽ có giá trị với cộng đồng doanh nghiệp. Chúng tôi cũng sẽ không chỉ nói về lý thuyết mà còn triển khai tham quan thực tế công tác an toàn lao động ở những nhà máy của BlueScope tại Việt Nam.

Khi Bluescope chia sẻ, phía doanh nghiệp có thể chọn lọc để tìm ra những giải pháp, cách thức phù hợp cho đặc thù ngành nghề, phù hợp với đặc điểm của công ty.