Thứ Sáu | 08/08/2014 17:04

Bloomberg: Việt Nam có thể thay đổi một số quy định để bán nợ xấu

Việt Nam có thể thay đổi một số quy định để đẩy nhanh việc bán nợ xấu, điều đang cản trở nền kinh tế đạt các mục tiêu tăng trưởng.
Trao đổi với hãng tin Bloomberg, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết: "Hiện giờ, dường như ai cũng e ngại phải chịu trách nhiệm về việc gây thiệt hại cho Nhà nước nên không ai dám đưa ra quyết định bán nợ xấu với giá thấp. Do đó các cơ quan chính phủ đang thảo luận thay đổi các quy định hiện có liên quan tới vấn đề này để đẩy nhanh quá trình bán nợ xấu."

Theo Bloomberg, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) chỉ mới giải quyết được chưa tới 2% của khoảng 51.000 tỷ đồng (2,4 tỷ USD) nợ xấu mua từ các ngân hàng kể từ khi thành lập năm 2013 đến nay. Hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, tăng trưởng kinh tế sẽ không đạt mục tiêu 5,8% năm nay nếu các cơ quan chức năng không nỗ lực thực hiện các biện pháp theo kế hoạch.

Việc thay đổi các quy định sẽ cho phép VAMC bán nợ đã mua với giá thấp để thu hút người mua, ông Kiên cho biết. Số liệu của VAMC cho biết, công ty này đã xử lý được 996 tỷ đồng nợ xấu kể từ khi bắt đầu hoạt động, tuy nhiên không rõ đã bán được bao nhiêu nợ.

Bloomberg dẫn nguồn VnEconomy cho biết, nợ xấu tính tới cuối tháng 6 là 4,84%. Theo Standard & Poor's hôm 15/7, nợ xấu thực tế của Việt Nam có thể cao hơn đáng kể so với con số đã báo cáo bởi thiếu sự phân loại phù hợp và các tiêu chuẩn báo cáo cho các ngân hàng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trả lời phỏng vấn tại Đà Nẵng hôm nay cho biết, tăng trưởng kinh tế sẽ thấp hơn dự báo và nhiều khả năng sẽ ở vào khoảng 5,6% trong năm nay do các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Theo ông Vinh, những vụ việc phản đối hành động hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông hồi tháng 5 cũng ảnh hưởng tới thu hút đầu tư nước ngoài. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm qua cảnh báo tăng trưởng có thể giảm còn 5,25% trong năm nay nếu các bộ ngành địa phương không nỗ lực hết sức.

Các số liệu chính thức cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã cam kết tại Việt Nam giảm 35% xuống 6,85 tỷ USD trong nửa đầu năm nay. Vốn FDI đã giải ngân trên cả nước tới tháng 6 đạt 5,75 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Tài chính đang xem xét loại bỏ một số thuế quan xuất nhập khẩu để hỗ trợ các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cho biết. "Chúng tôi đang làm việc để đưa ra thêm các biện pháp giúp các doanh nghiệp cắt giảm chi phí và đối phó với suy thoái kinh tế."

Nguồn Theo DVO/Bloomberg


Sự kiện