Bloomberg và CNBC: Giá dầu sẽ giảm tiếp
Giá dầu thô trên thị trường quốc tế phiên 3/8 đã giảm mạnh do lo ngại về sự gia tăng nguồn cung mới từ Iran và suy giảm nhu cầu tại thị trường Trung Quốc.
Chuyên gia Michael Wittner của Societe Generale nhận định có rất nhiều yếu tố hiện nay cho thấy đà đi xuống của giá dầu, như tâm lý của nhà đầu tư hay các chỉ số phân tích kỹ thuật. Mặc dù thị trường dầu mỏ không lạc quan nhưng ông Wittner cho rằng giá dầu có thể sẽ không giảm sâu mà chỉ chạm mức thấp như hồi quý I/2015.
Giá dầu Brent thế giới đã xuống dưỡi ngưỡng kháng cự 50 USD/thùng trong phiên 3/8 và hướng xuống mức thấp 45,19 USD/thùng vào tháng 1/2015. Đóng cửa phiên hôm qua, giá dầu Brent ở mức 49,83 USD/thùng và đã giảm 13% tính từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, giá dầu thô Mỹ WTI giảm xuống 45,17 USD/thùng, hướng đến mức thấp nhất từ đầu năm đến nay là 42 USD/thùng.
Hãng tin Bloomberg cho rằng giá dầu có thể giảm tiếp do các nhà máy lọc dầu tại Mỹ cần bảo dưỡng, qua đó giảm nhu cầu về dầu thô từ tháng 8 đến háng 10/2015.
Hơn nữa, nhu cầu năng lượng tại Mỹ tăng cao vào mùa hè do các học sinh tìm thêm việc làm bán thời gian và các hộ gia đình đi nghỉ mát, nhưng tình trạng này sẽ suy giảm khi mùa hè chấm dứt.
Trong tuần trước, các quỹ đầu tư đã giảm lệnh đặt mua trên thị trường kỳ hạn đối với dầu Brent thế giới. Đây là tuần có mức giảm đặt lệnh mua cao nhất trong hơn 1 năm qua.
Chuyên gia Sabine Schels của Bank of America Merrill Lynch nhận định áp lực giảm giá lên dầu thô vẫn còn khi các lệnh đặt mua dầu thô Mỹ WTI xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua.
Trong khi đó, Michael Cohen của Barclays nhận định giá dầu có thể xuống 1-2 USD nữa nhưng ông không cho rằng giá dầu sẽ giữ ở mức thấp trong thời gian lâu. Nguyên nhân là giá dầu thấp sẽ kích thích mua vào, đặc biệt là thị trường Trung Quốc khi nước này muốn gia tăng lượng dự trữ dầu mỏ chiến lược.
Giá dầu hiện còn chịu áp lực giảm giá từ các tuyên bố của Iran khi nước này cho biết có thể tăng sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày ngay sau khi được dỡ bỏ lệnh cấm vận, và tăng thêm 1 triệu thùng/ngày chỉ trong 1 tháng sau đó.
Ngoài ra, sản lượng khai thác cao của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cũng khiến thị trường phản ứng. Theo báo cáo của hãng tin Reuters, sản lượng tháng 7/2015 của OPEC đã lên mức kỷ lục từ trước tới nay.
Theo chuyên gia Cohen, mặc dù tuyên bố của Iran còn nhiều nghi vấn nhưng sự thiếu hợp tác của OPEC đã tạo thêm áp lực cho giá dầu. Việc Ả Rập Xê Út và Iraq gia tăng sản lượng đã khiến thị trường dầu mỏ thế giới dư thừa khoảng 1,2-2 triệu thùng/ngày.
Chuyên gia Schels cho biết bà không thấy dấu hiệu tích cực nào cho giá dầu trong vài tuần tới cũng như đến hết tháng 9/2015. Tuy nhiên, bà Schels đánh giá nhu cầu dầu mỏ sẽ quay trở lại vào quý IV/2015. Các nhà đầu tư sản xuất đá phiến sẽ xem xét lại các khoản vay vào mùa thu này và có thể dòng tiền đổ vào ngành khai thác dầu đá phiến có thể bị cắt giảm. Vì vậy, sản lượng dầu thô có thể giảm xuống và tác động tích cực đến giá dầu vào quý IV/2015.
Theo bà Schels, thị trường đang đánh giá thấp tác động của ngành khai thác dầu đá phiến đến giá dầu thế giới. Chuyên gia này dự đoán ngành dầu đá phiến Mỹ sẽ suy giảm sản lượng trong những năm tiếp theo, và điều này sẽ tác động đến thị trường dầu thô quốc tế.
Tính đến ngày 24/7, ngành khái thác dầu đá phiến Mỹ có sản lượng 9,4 triệu thùng/ngày, giảm so với mức đỉnh trong tháng là 9,6 triệu thùng/ngày.
Nguồn NDH