Bloomberg: Trữ lượng dầu mỏ của Việt Nam tại Đông Á “chỉ sau Trung Quốc”
Hãng tin này trích dẫn số liệu của hãng dầu lửa BP cho biết, năm ngoái, sản lượng dầu thô của Việt Nam đạt 348.000 thùng/ngày, tăng 10% so với năm 2011 và là mức cao nhất kể từ năm 2006.
Cũng theo số liệu từ BP, tại khu vực Đông Á, Việt Nam là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ cao thứ nhì, ở mức 4,4 tỷ thùng, chỉ sau Trung Quốc.
Tại buổi hội thảo nói trên, ông Lê Ngọc Sơn cho hay, khoảng 40% sản lượng dầu thô của Việt Nam hiện nay đến từ các mỏ được vận hành bởi liên doanh Vietsopetro. Đây là liên doanh giữa Petro Vietnam và công ty OAO Zarubezhneft của Nga. Liên doanh này hiện đang khai thác mỏ dầu lâu năm nhất của Việt Nam là mỏ Bạch Hổ đi vào hoạt động năm 1986.
“Duy trì sản lượng ở một mức ổn định, đó là sứ mệnh chính, mục tiêu chính của chúng tôi”, ông Sơn nói. “Trước hết, chúng tôi cần đưa các mỏ dầu mới vào hoạt động để tạo ra sản lượng mới. Thứ hai, chúng tôi cần tìm cách để thúc đẩy nhân tố phục hồi bằng cách khoan thêm các giếng, cố gắng tìm ra dầu mới từ mỏ cũ”.
Hồi tháng 10, Soco, công ty có trụ sở ở London hiện đang vận hành mỏ Tê Giác Trắng, cho biết, thăm dò một giếng khoan ở mỏ này phát hiện mức sản lượng 27.600 thùng tương đương dầu mỗi ngày. Trong 10 tháng đầu năm nay, sản lượng của mỏ Tê Giác Trắng đạt mức trung bình 45.132 thùng/ngày.
Trong một tuyên bố gửi các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán London, Giám đốc điều hành (CEO) của Soco, ông Ed Story, miêu tả giếng trên là “một trong những giếng nhiều dầu nhất từng được thử nghiệm ở Việt Nam”. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào tháng 8, ông Story nói rằng, giếng này gia tăng khả năng mỏ Tê Giác Trắng có thể có trữ lượng lên tới 1 tỷ thùng dầu.
Sản lượng dầu của Việt Nam đến từ các mỏ trên biển Đông. Theo tài liệu tại buổi hội thảo nói trên, những mỏ dầu được phát hiện gần đây của Việt Nam có xu hướng nhỏ hơn và nằm ở những khu vực có các điều kiện địa chất, địa lý phức tạp và ở những vùng nước xa xôi, khó tiếp cận hơn.
“Tôi không nghĩ là một ai đó thực sự biết việc khoan tìm dầu ở những vùng nước sâu hơn sẽ tìm ra dầu hoặc khí hay không”, ông David Thompson, Phó chủ tịch cấp cao của công ty nghiên cứu và tư vấn Wood Mackenzie ở Singapore, đánh giá.
“Đối với Việt Nam, khoan tìm dầu ở các vùng nước sâu sẽ là một vấn đề thu hút sự chú ý trong tương lai. Nếu họ muốn tăng sản lượng, họ sẽ cần phải hoạt động tích cực hơn, thăm dò nhiều hơn ở các vùng nước sâu”, ông Thompson nói.
Nguồn Vneconomy