Bloomberg: Kinh tế Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong năm 2016-2017
Trong khi nhiều nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới kể cả Nga, Brazil và Trung Quốc đang có dấu hiệu chậm lại, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn được dự đoán ổn định, đạt gần 7% trong năm 2016, đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Kinh tế Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, tương đương mức của năm 2015.
Nhu cầu nội địa tăng và luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bùng nổ đang giúp Việt Nam kháng cự với những rủi ro toàn cầu - đã gây ra làn sóng bán tháo cổ phiếu và phá giá nội tệ từ đầu năm đến nay.
Trinh Nguyen, nhà kinh tế học cao cấp về thị trường châu Á mới nổi tại Natixis SA nhận định, trong bối cảnh môi trường kinh doanh toàn cầu ảm đạm, nhu cầu nội địa sẽ đóng vai trò quyết định. Giới đầu tư và người tiêu dùng tại Việt Nam đang tỏ ra khá lạc quan về tương lai.
10 nền kinh tế được dự báo tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2016. |
Doanh nhân Lê Thị Hằng đang khảo sát địa điểm để mở thêm 2 cửa hàng tiện dụng tại Hà Nội sau doanh số bán tích cực của cửa hàng mà bà mở 1 năm trước.
Bà Hằng dự đoán doanh thu năm nay sẽ tăng gấp đôi nhờ việc mở rộng quy mô và doanh số bán các mặt hàng thực phẩm như mỳ ăn liền, nước mắm, đường, sữa và bánh mỳ cũng tăng.
Việt Nam sẽ có thêm một năm đầy sáng lạn trong 2016, các nhà kinh tế học của ANZ nhận định trong báo cáo ra tháng 1/2016. Tuy nhiên, viễn cảnh dài hạn sẽ phụ thuộc vào sự thay đổi những chức danh chủ chốt của Đảng và Nhà nước trong 12 tháng tới.
Nỗ lực gần đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc cho phép tỷ giá linh hoạt hơn cũng sẽ tăng cường sự ổn dịnh vĩ mô và giúp giảm áp lực lên dự trữ ngoại hối, theo ANZ.
Trong khi đó, tiêu dùng cá nhân năm 2015 tăng 9,3%. Vốn FDI giải ngân tăng 17,4% so với năm 2014 lên mức kỷ lục 14,5 tỷ USD.
Mức tăng trưởng của Việt Nam đang phục hồi gần về mức trước thời khủng hoảng tài chính. |
Dự thảo kế hoạch cho thấy chính phủ đang đặt mục tiêu nâng GDP đầu người lên 3.200-3.500 USD vào năm 2020 so với bình quân 2.171 USD năm 2015, theo ươc tính của IMF. Lạm phát sẽ được duy trì ở mức dưới 5% và thâm hụt ngân sách được kiểm soát dưới 4% GDP.
ANZ tin rằng năm 2016 và 2017, Việt nam sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng sẽ bị ảnh hưởng nếu thâm hụt thương mại gia tăng do nhập khẩu sản phẩm tiêu dùng như ôtô tăng trưởng nhanh hơn nữa.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg