Ảnh: Bloomberg
Bloomberg: Đến cả ông trùm đầu tư Ray Dalio còn mất tiền trong lúc dịch Covid-19 xảy ra, bạn thì sao?
Dịch Covid-19 đang khiến các quỹ đầu cơ tổn thất hàng tỷ USD, khi làn sóng rút vốn hàng loạt khiến các mối quan hệ trước đây bị phá vỡ.
Trong 10 ngày qua, trái phiếu, cổ phiếu và thậm chí là vàng – thường là kênh trú ẩn an toàn trong những lúc bất ổn – đồng loạt lao dốc. Các quỹ vốn hoạt động dựa trên thuật toán máy tính và xu hướng vĩ mô toàn cầu lịch sử nay đang phải trả cái giá quá đắt khi các mối tương quan trước đó đã không còn.
Xét tới chiến lược phân bổ danh mục dựa trên rủi ro của quỹ risk parity trade – quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới. Những chiến lược như thế này đặt cược vào mối tương quan gần như hoàn hảo giữa đà tăng của cổ phiếu và đà giảm của trái phiếu. Chiến lược này mang lại thành quả rất cao trong thập kỷ qua.
Tính tới đầu tháng 3/2020, mối tương quan hàng tuần giữa chỉ số S&P 500 và trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm là âm 0,84, thấp nhất từ đầu năm 2015, Goldman Sachs ước tính. Nếu mối tương quan là -1 thì có nghĩa là cả hai tài sản có tương quan nghịch hoàn toàn, tức khi cổ phiếu tăng thì trái phiếu luôn luôn giảm.
Thế nhưng, dịch Covid-19 đã đập tan viễn cảnh đó. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã gấp đôi trong vài ngày gần đây, từ mức 0,54% (09/03) lên 1,14% trong ngày thứ Năm (19/03), thậm chí khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất xuống 0. Tác giả bài viết cũng nhận thấy điều tương tự ở Nhật Bản. Cổ phiếu và trái phiếu đồng loạt lao dốc, và kéo cả luận điểm nền tảng của chiến lược phân bổ danh mục tiêu rủi ro xuống mồ.
Càng làm tình hình thêm phần tồi tệ, những giao dịch theo chiến lược này thường sử dụng đòn bẩy để khuếch đại phần rủi ro từ trái phiếu, vì cổ phiếu thường biến động mạnh hơn. Phân bổ theo rủi ro là chiến lược cân bằng tỷ trọng rủi ro ở cả hai loại tài sản trong danh mục. Những ai từng nói trái phiếu khá an toàn và ổn định thì phải xem xét lại trong bối cảnh dịch Covid-19. Hãy xem xét chỉ số ICE BoA MOVE Index – chỉ số biến động của thị trường trái phiếu – đang ở mức biến động mạnh nhất kể từ năm 2009. Hóa ra trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng không an toàn như bạn nghĩ.
Hoặc xem xét đến những quỹ hành động dựa trên chiến lược statistical arbitrage (chênh lệch về thống kê), trong đó sử dụng thuật toán máy tính để tìm ra những chênh lệch nhỏ. Những quỹ này phụ thuộc nhiều vào đòn bẩy để thúc đẩy đà tăng. Thế nhưng, nguồn vốn bằng USD đang đóng băng khi ngân hàng ngồi chờ đợi các khách hàng doanh nghiệp và tăng thêm dự trữ để chống lại biến động thị trường, margin call và những đợt rớt giá chóng vánh. Nếu một quỹ chỉ có thể kiếm được 10 điểm cơ bản dựa trên các giao dịch kém thanh khoản, thì giờ họ lại phải đối mặt với câu hỏi đau lòng: Có nên chốt vị thế hay không.
Và chiến lược định giá tương đối (relative value trades) – trong đó tìm kiếm cơ hội ăn chênh lệch giữa các cặp tài sản có mối tương quan cao – cũng chẳng mang lại kết quả tốt đẹp. Trong thị trường tiền tệ, áp dụng chiến lược này ngay lúc này sẽ mang lại kết quả đau thương, khi nhà đầu tư đổ xô mua USD. Đà giảm mạnh của đồng AUD trong tháng này trông có vẻ hơi quá, vì đồng tiền này thường diễn biến theo đồng nhân dân tệ của Trung Quốc – vốn rất ổn định trong thời gian gần đây.
Các ông lớn trong ngành quản lý quỹ cũng rơi vào cảnh khốn cùng. Quỹ All Weather của Bridgewater – vốn đi đầu về chiến lược phân bổ danh mục theo rủi ro – giảm 12% từ đầu năm 2020. Trong khi đó, quỹ Millennium Management đã chốt lỗ hơn 10 vị thế. Quỹ Millennium Management phụ thuộc nhiều vào chiến lược định giá tương đối.
Và đó là những chuyên gia đầu tư hàng đầu – những người từng kinh qua đợt cứu rỗi quỹ Long-Term Capital Management trong năm 1998 và vụ phá sản của Lehman Brothers. Đối với những ai chưa từng trải qua những giai đoạn này, thành quả của họ còn tệ hơn thế. So với đà giảm 16,5% của chỉ số S&P Risk Parity Index trong năm nay, thì quỹ All Weather của Bridgewater cũng không đến nỗi nào.
Thị trường toàn cầu đang giằng co quyết liệt trong ngày thứ Năm (19/03) khi các ngân hàng trung ương trên thế giới tung ra các gói kích thích. FED đã sử dụng vài cơ chế cho vay khẩn cấp và áp dụng hạn mức tín dụng chéo với các thị trường mới nổi như Brazil và Mexico. Nhưng liệu có đủ để vực dậy nền kinh tế? Chúng ta đều đồng ý rằng các ngân hàng trung ương chẳng thể cản bước virus. Trong trường hợp tốt nhất, họ chỉ làm giảm tác động của virus đến thị trường tài chính.
Ông Ray Dailo, nhà sáng lập của Bridgewater, nổi tiếng khi nói rằng tiền mặt là rác rưởi. Nay, ông Dalio – người được kính nể tại Trung Quốc – lại phải nhờ đến các cộng sự để xua tan những tin đồn các quỹ của ông đã bị “sập”. Dịch Covid-19 đang khiến tất cả mọi người lẫn doanh nghiệp tích trữ tiền mặt. Tất cả những gì nhà đầu tư muốn là tiền mặt.
Những quỹ đầu cơ đã sử dụng đòn bẩy để mua cổ phiếu, trái phiếu và tài sản rủi ro nay phải buốt nhói khi nghĩ về những tuần sắp tới.
* Bài viết thể hiện quan điểm của Shuli Ren trên Bloomberg Opinion
Nguồn Bloomberg